Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Có nên phân biệt đối xử với từ Hán Việt?

Tác-giả: Lê-Xuân-Mậu
(Tạp chí Văn, 2002)

Cần coi là từ Việt

Trong sự giao lưu giữa các cộng đồng sử dụng ngôn ngữ khác nhau, việc mượn từ ngữ của nhau là việc hết sức bình thường. Vấn đề là mượn như thế nào để có thể bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của mình. Trong tiếng Việt, người ta đã chỉ ra khá nhiều từ mượn từ gốc Thái, Khmer... mà ta vẫn coi là thuần Việt. Với người bình thường, khó mà nhận ra gốc Pháp của các từ cốc, tách, xăm, lốp... Vì vậy gọi từ Hán Việt để phân biệt từ thuần Việt cũng chỉ nên coi là một "thủ pháp" trong học tập nghiên cứu. Chẳng nên quá "phân biệt đối xử" khi coi từ Hán Việt như nguyên nhân làm tiếng Việt giảm đi sự thuần nhất và trong sáng của nó.

Ta đã có khá nhiều giải pháp hay khi mượn từ Hán Việt và khối từ này đã ngày càng Việt hóa cao. Cố nhiên ta phải phấn đấu cho tiếng Việt ngày càng phong phú, hay và đẹp hơn. Muốn thế, các nhà văn hóa, những người sử dụng ngôn ngữ nhiều phải góp phần sàng lọc các yếu tố tiêu cực trong các lớp từ, kể cả lớp từ mượn Hán Việt, mượn "quốc tế" hiện nay lẫn lớp từ được coi là thuần Việt. Bởi vì lớp từ nào cũng có những yếu tố tiêu cực cần sàng lọc cả.

Những yếu tố Hán Việt "tiêu cực"

Do "quen thuộc" về mặt ngữ âm nên nhiều khi gặp từ lạ trong tiếng Hán, các phiên dịch "ngại nghĩ" cứ phiên thẳng âm ra tiếng Việt mà không quan tâm ý nghĩa của nó trong tiếng Việt có phù hợp không. Vì vậy phân xưởng rèn từng có lúc được gọi là phân xưởng gia công áp lực. Ngành đường sắt sau năm 1954 có rất nhiều từ Hán Việt nặng nề; ngành giáo dục cũng dịch ra đủ các từ như giáo cụ trực quan, sĩ số hiện hữu, kiến tập, thực tập... Và bây giờ trên báo, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện các từ nghiệp dĩ, biên mậu... Đó là căn bệnh mượn ẩu, mượn bừa, nhập lậu trong việc mượn từ Hán Việt.

Chữa căn bệnh này cũng không khó. Trách nhiệm trước hết là ở các nhà phiên dịch tiếng Trung. Gặp các từ không quen thuộc, các vị hãy đề cao tinh thần trách nhiệm với ngôn ngữ dân tộc, vận dụng các cách mượn từ thông minh của dân tộc ta để xử lý. Hãy dịch ra các từ quen thuộc (thuần Việt hay từ tố Hán Việt quen thuộc) cho dễ hiểu. Kinh nghiệm tạo danh từ khoa học của các bậc đi trước như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và những người khác rất cần được học tập. Nếu cứ lười nhác thì các cụ đã dùng Précipiter hoặc trầm điện chứ chả cần tạo ra kết tủa, và ta cũng chẳng có cái từ rất "hóm hỉnh" là tá tràng nghe như "Hán Việt xịn" mà thật ra là "Hán Việt dởm" gồm tá là 12, tràng là ruột để dịch chữ duodénum (tiếng Hán dùng từ khác). Cũng như vậy, nếu chỉ dùng kiểu "phiên âm" thì làm gì ta có những tên gọi Việt Nam cho các cán bộ ngành y mà nếu viết ra chữ Hán thì người Trung Quốc cũng không hiểu được họ làm công việc gì: bác sĩ, hộ lý...

Cố nhiên ngăn chặn các nguồn có khả năng "nhập lậu" là một mặt. Quan trọng nữa là "người tiêu dùng" cần có ý thức, không làm sang bằng cách dùng các từ có vẻ "bác học".

Tuy nhiên, đã thận trọng với từ Hán Việt mượn ẩu, lại rất cần thận trọng khi muốn thay thế các từ Hán Việt đã quen thuộc. Các từ đã được cộng đồng chấp nhận, dùng quen trong đời sống đều là các từ cần mượn. Những từ "thuần Việt" có thể thay thế nó thường không đáp ứng được yêu cầu, hoặc là thiếu những nét nghĩa chuyên biệt, hoặc là không có được sắc thái cần có. Hãy xem vài trường hợp, quan sát không hoàn toàn đồng nghĩa với xem xét. Các từ thể thao như (chạy) việt dã, hậu vệ sao có thể thay bằng (chạy) vượt ruộng, giữ mặt sau; gia phong không thể thay bằng lệ nhà; phong trần không phải lúc nào cũng có thể thay bằng gió bụi!

Thái độ sáng suốt ở đây là mượn cái gì cần mượn, Việt hóa tối đa khi có thể và không "dị ứng" với việc mượn từ. "Đóng cửa" là không nên và cũng không thể.

Tôn trọng cuộc sống riêng của từ ngữ

Từ ngữ có cuộc sống riêng của nó. Khi đã được cộng đồng sử dụng, chấp nhận, nó đi vào cuộc sống chung. Tùy theo khả năng hoạt động của nó, nó sẽ kết hợp với các yếu tố khác, từ ngữ khác để làm nảy sinh những nghĩa nhánh (phái sinh) và có thể tạo ra các sắc thái mới, các từ cùng họ thuận hay ngược chiều. Từ quả là một thí dụ. Ngoài hai nghĩa "trái cây" và "kết quả" mượn ở gốc Hán, nó đã có thêm các nghĩa nhánh chỉ có ở tiếng Việt: chỉ đơn vị, các vật có hình giống trái cây (quả cân, quả đấm) hay đồ đựng bằng gỗ hình hộp tròn có nhiều ngăn và có nắp (quả sơn)... và rồi nó có thêm những kết hợp mới: quả lừa, trúng quả...

Cũng như vậy, từ Hán Việt, do đặc điểm ngoại lai của nó, rất dễ bị biến dạng. Cần tôn trọng các hình thức biến dạng về ngữ âm, ngữ nghĩa mà phần lớn giới bình dân đã dùng, đó thường là sự phát triển đúng các quy luật ngôn ngữ chứ không phải chỉ là do thiếu hiểu biết mà ra cả đâu! Cứ khư khư theo từ nguyên mà dùng ủy mĩ (ủy mị), đồi tệ (tồi tệ), a du (a dua), quá kích (quá khích) xem có buồn cười không! Không thể cố chấp mà bảo tử tế (tốt bụng) là "xem xét tỷ mỉ", lỗi lạc (có tài khác đời) là "trong sạch thẳng thắn", vô tình (không cố ý) là "không có tình" v.v.

Từ những biến dạng xa dần nghĩa gốc, rất nhiều từ Hán Việt đã có một bộ mặt hoàn toàn xa lạ. Tồn tại đã đi qua bước trung gian vấn đề tồn tại, những cái tồn tại để đi tới một danh từ mới có nghĩa là "những khuyết điểm, yếu kém chưa được khắc phục"; cập nhật từ cái nghĩa đen là "kịp từng ngày" đã đi tới cái nghĩa bóng "theo sát từng ngày những cái mới của thời đại". Do đó, nói kiến thức cập nhật là sáng tạo từ mới theo hướng này.

Từ chuyện chuyển nghĩa, cũng nên nói đến hiện tượng mất nghĩa của các từ tố. Trong các từ song tiết thuần Việt cũng đã có nhiều yếu tố bị mất nghĩa (mà phải nghiên cứu mãi mới truy ra): đường xá, tre pheo, gà qué, chợ búa... Từ mượn Hán Việt càng có nhiều lý do để mất nghĩa các từ tố của nó. Do tính cách tên riêng mà những yếu tố sơn, hà, giang... đã không còn giữ nguyên nghĩa trong Thái Sơn, Hoàng Hà, Trường Giang. Vì vậy nói "đi lên núi Thái Sơn", "qua sông Trường Giang" đâu phải là thừa! Nói như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, cái âm hưởng Việt nhiều khi cũng đòi hỏi tạo các từ gồm các yếu tố Hán Việt và thuần Việt đồng nghĩa như in ấn...

Trong phạm vi bài báo, tôi chỉ xin được trao đổi sơ lược về khối từ Hán Việt rất lắm vấn đề cần khảo sát này và mong được sự quan tâm chung.

Lê Xuân Mậu
(Tạp chí Văn)

Nguồn: vantuyen.net
2002-07-16 01:24:31

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét