Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Một·vài khác·biệt giữa hai ngôn·ngữ Nhật-Việt

Mục đích của bài viết này không có ý định đi sâu vào nghiên cứu ngôn ngữ của hai đất nước, mà chỉ là một chút quan sát với góc cạnh mà bình thường ít ai để ý tới chúng mà thôi. Do đó bài viết không đặt nặng tính học thuật lắm

Phần I. Người ta nói con người không ai thấy được gương mặt của mình. Người ở Tokyo chả khi nào trèo lên tháp Tokyo cả mà chỉ có người từ nơi khác đến hiếu kỳ mới trèo lên mà thôi. Điều này ở mặt nào đó thì rất đúng, nó thể hiện rõ qua nhiều khía cạnh như văn hóa, tập quán và đặc biệt là ngôn ngữ.

Nhiều dân tộc không có thói quen tự ý thức về tiếng nói của mình. Phần lớn người ta vẫn nói theo thói quen, đời trước dạy thế nào thì đời sau bắt chước chứ ít bỏ công ra mà suy sét cái mình đang dùng.

Hẳn là người Việt cũng thế, nhiều khi họ nói mà không để ý xem mình đang nói điều gì. Trong tiếng Việt cũng có khá nhiều điểm lý thú nhưng nếu không dụng tâm quan sát thì không thấy được. Nhưng người ngoại quốc khi học tiếng Việt thì họ lại chú ý tới những điểm lạ của tiếng Việt mà người bản xứ chả mấy ai ngờ.

Một người Nhật khi học tiếng Việt đã tự hỏi, tại sao bố tương đương với ba, cha, mẹ tương đương với má. Thế tại sao nói "ba mẹ", "ba má", "cha mẹ", "bố mẹ" mà không nói "bố má" hay "cha má" ?

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Việt-ngữ tinh-nghĩa từ-điển

Sách điện-tử: Việt-ngữ tinh-nghĩa từ-điển

Tác-giả: Long-Điền Nguyễn-Văn-Minh

Nhà-xuất-bản: Quảng-Vạn-Thành

Nơi xuất-bản: Hà-Nội

Năm xuất-bản: 1950

Link download: https://docs.google.com/uc?id=0B-fSriMZY_UuZDZmMDNhMWMtZGM0OC00YmVlLThiNzAtMTAzMjBjNjllM2Uz&export=download&hl=en

Từ-điển này giải-thích nghĩa và cách dùng các từ gần nghĩa như "những" với"các", ....

Vấn·đề tiếng đồng·âm trong Việt·ngữ và dấu nối trong tên họ

Tác·giả: Lê·Ngọc·Trụ

(Tạp·chí Văn số 25, Chuyên·mục Giải·đáp thắc·mắc bạn đọc, ngày 1 tháng 1 năm 1965)

* HỎI : (bạn Trương-Bạch-Mai, Long-thành.)
1.) Vấn-đề tiếng đồng-âm trong Việt-ngữ : « Va, Da, Gia » có thể là những tiếng đồng-âm không ? Tôi cho những cặp tiếng sau đây là đồng-âm có đúng không : ngan và ngang, tất và tấc, lòng và lồng? Hay tiếng đồng-âm chỉ có thể là những tiếng như hiên trong « hiên-ngang » và hiên trong « mái hiên ».
2.) Dấu nối trong tên họ. Chẳng hạn như tên tôi, theo ý-kiến của ông, nên viết theo một trong những lối sau đây : Trương-Bạch-Mai, Trương Bạch-Mai. Lối sau, riêng theo ý tôi, nó không có một liên-lạc gì giữa họ và tên. Và tôi cũng không đồng ý khi người ta cho rằng chỉ có dấu nối giữa những tiếng trong tên ghép hoặc chữ ghép, chẳng hạn : Nguyễn-Phúc Ánh, Trần thị Kim-Chi.

Nguyễn·Bạt·Tụy

Tác·giả: Nguyễn·Đình·Toàn

[...Các cuốn “ Phonologie Vietnamienne”, “ Les Voyelles Vietnamienne”, “NOA recherche languistique en Giaoland”vv.. . tất cả đều đuợc viết bằng tiếng Pháp, trình bày những biến chuyển về tư tưởng của tác giả qua hơn hai mươi năm suy tư về ngôn ngữ, trong mọi ngành ngữ âm, ngữ nghĩa, văn phạm, văn phong, và nhất là sự phát minh ra “thuyết độ tiếp xúc” [ theorie đu degré de contact ] mà tác gỉa tin rằng sẽ làm đảo lộn các thuyết ngôn ngữ trên thế giới và chứng tỏ giá trị bấp bênh của mọi công trình nghiên cưú trước đây. Ngoài ra ông Nguyễn Bạt Tụy còn viết một số tác phẩm bằng Anh ngữ, trong đó có cuốn “ New Principles Of Phonology” [ Những nguyên lý mơí của âm học ] nhằm chống lại Trubezcoy, tác giả cuốn sách nổi tiếng tựa đề là “ Principe de Phonologie”.....]

Tản·mạn về đề·án chữ Việt không dấu

Tác·giả: Nguyễn·Ninh

(Bài viết trên Diễn đàn Hội Tin học Việt Nam - Hà Nội, ngày 28 tháng 1 năm 2007)
Trước đây một năm, cũng vào một ngày đầu Xuân (17/02/2006), đề án "Chữ Việt mới" đã được Cục Bản Quyền tác giả cấp giấy chứng nhận bản quyền, đánh dấu 10 năm nghiên cứu về đề tài này.
Từ ngày ấy đến nay, tôi đã gửi đề án này dến hơn 200 cơ quan thông tấn, báo chí, điện toán (tin học), các trường đại học . . . đồng thời đăng tải trên mạng Diễn đàn Tin học và Đời sống của Hội Tin Học Việt Nam, và đã nhận được nhiều ý kiến khen, chê, thắc mắc.
Tôi thấy đã đến lúc nên tổng kết và trả lời những câu hỏi của quý độc giả trong và ngoài nước.

Phương-châm trong việc tạo từ mới

Tác-giả: Đặng-Hải-Nguyên



  1. Tính dân tộc:

    1.1 Thuần Việt :


    Sử dụng những từ thuần Việt.


    Ví dụ:
    gourmet powder: bột ngọt hay vị tinh.
    stomach: dạ dày hay bao tử.


    1.2 Nho Việt:


    Những từ Nho Việt do người Việt tạo ra, là đặc trưng riêng của Việt Nam.


    Ví dụ:
    stomach: bao tử.  Nếu dịch sát nghĩa từ "bao tử", bao là cái bao, tử là chết; từ "bao tử" không có nghĩa gì trong tiếng Trung Hoa. Theo ngữ pháp Trung Hoa, họ nói ngược lại là "tử bao" dịch sát có nghĩa là "bao chết". Hơn nữ, từ "bao tử" còn mang một ý nghĩa triết lý trong đó.


    Từ "vị tinh" ghi theo Hán tự (Chinese character) hoặc Nho tự là "". Nếu phiên âm theo giọng đọc của tiếng Quảng Đông là "mì chính". Nếu đọc "" theo âm Việt và ghi theo mẫu tự La-tinh thì từ Nho Việt là "vị tinh". Từ "vị tinh" thể hiện rõ nghĩa của từ là tinh chất của vị.


    Please make yourself as home: xin đừng khách sáo (khách khí – 客氣), xin tự nhiên như ở nhà bạn . Từ "sáo" lột tả được nhiều ý nghĩa hơn là từ "khí" (). Hơn nữa, ta có những từ gần với nó như sáo ngữ, nói như sáo.


  2. Tính khoa học

Nguyên-tắc tạo từ mới

Tác-giả: Đặng-Hải-Nguyên


Hán tự hoặc Nho tự được tạo ra theo sáu cách gọi là phép lục thư (六書).


  1. Tượng Hình (象形): căn cứ trên hình tượng của sự vật. Ví dụ:
    Ghép một gạch ngang (
    ), một sổ thẳng (), hai nét phẩy xuống ở hai bên, tượng trưng một cây có cành ngang, rễ dọc, để ghi chữ Mộc "", có nghĩa là "cây".

  2. Chỉ Sự (指事) hay Biểu Ý (表意) (hay tượng sự, xử sự): Trông mà biết được, xét mà rõ ý. Ví dụ:
    Chữ Bản (
    ), do ghép chữ Mộc () và thêm gạch ngang diễn tả ý nghĩa "gốc rễ".
    Lấy nét ngang (
    ) làm mốc, phần (–) đứng ở trên mốc là () thượng, phần đứng ở dưới mốc là () hạ.

  3. Hội Ý (會意) (hay tượng ý): Mỗi chữ có nhiều phần, mỗi phần có một nghĩa, hợp ý của hai chữ ấy lại để tạo ra một chữ mới với ý mới. Ví dụ:
    Chữ Lâm (
    ) là rừng , do ghép hai chữ Mộc () tạo thành, rừng do nhiều cây hợp thành.
    Chữ Cổ (
    ) là xưa, ngụ ý điều gì mà mười ( Thập) miệng ( Khẩu) đã nói đến là cũ, xưa rồi.

  4. Hình Thanh (形聲), (hay tượng thanh, hài thanh): chiếm 80% toàn bộ chữ Hán. Mượn phần âm () của một chữ có sẵn rồi ghép vào một bộ (phần hình ) chỉ ý nghĩa, để tạo ra chữ mới. Ví dụ:
    Chữ Vị (
    ) trong "khẩu vị" do ghép bộ Khẩu () chỉ việc ăn hoặc nói, và chữ Vị () là "chưa" trong "chưa đến – vị lai" để chỉ cách phát âm.
    Chữ Giang
    là sông, gồm bộ Thuỷ () để chỉ vật gì có liên quan đến nước (ý nghĩa) và chữ công () chỉ cách phát âm của chữ ", Giang". Ghi chú: theo cách tạo từ này, lẽ ra phải đọc là "Giông" chứ không phải "Giang" vì nó lấy âm "ông" trong chữ "công, ".  Nếu thay âm "Gi" Việt cổ (?) hay Hán cổ (?) bằng âm "S" Việt hiện nay, chữ ta đọc là "sông", nghĩa là sông (river) là hợp tình hợp lý nhất?! Trong 80% toàn bộ chữ Hán được tạo theo phương thức Hình Thanh, có bao nhiêu chữ thuộc loại này? Phần này để các bạn cũng như các nhà nghiên cứu suy nghĩ thêm về tính chính danh của cách gọi "từ Nho Việt" thay cho "từ Hán Việt".

  5. Chuyển Chú (轉注): Dùng một chữ có sẵn, thay đổi hình dạng đi đôi chút, để đặt ra một chữ khác có nghĩa tương tự. Ví dụ:
    Ghép bộ Thảo (cây cỏ) vào chữ Lạc (
    , vui vẻ) thành chữ Dược () là thuốc
    Chữ Lão (
    ) là già, thay đổi hình dạng đôi chút ta có Khảo () nghĩa là "sống lâu".

  6. Giả Tá (假借): Mượn âm của một chữ có sẵn:
    a. Biến đổi dấu giọng (thanh) của chữ ấy để tạo thành một chữ mới với nghĩa khác.
    Ví dụ:
    Trường: dài, Trưởng: lớn.
    b. Giữ nguyên thanh âm của một chữ nào đó, rồi gán thêm cho nó một nghĩa mới.
    Ví dụ:
    Vạn, vốn có nghĩa là con bò cạp, nhưng lại dùng thêm nghĩa mới là mười ngàn.


Nhờ chữ quốc ngữ viết bằng mẫu tự La tinh, chúng ta không bị đóng khung trong phép "lục thư" trong việc tạo từ mới.

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Nguyễn-Ninh - Bộ-gõ Chữ Việt mới tạm-thời

(Xem nội-dung đề-án Chữ Việt mới dùng cho Công-nghệ thông-tin của tác-giả Nguyễn-Ninh ở đây, bản rút-gọn đề-án xem ở đây)

Chào quý vị và các bạn,
Đây chưa phải là phần mềm được lập trình một cách hoàn chỉnh mang tên tác giả nào cả, mà chỉ là một số thủ thuật sử dụng những công cụ tin học hiện nay, được tập hợp lại trong cái gọi là “ Bộ gõ chữ Việt mới tạm thời “ mang tính trao đổi nội bộ, nhằm hỗ trợ những ai thích làm quen với chữ này dùng thử, cũng là để tiêu khiển cho vui…

Do tính chất tạm thời, bộ gõ này chưa thực hiện việc viết liền từ kép mà vẫn gõ rời từng từ đơn âm. Nhìn tổng thể bộ gõ này có nhanh hơn nhưng chưa nhanh nhiều lắm so với các bộ gõ khác. Bạn nào có khả năng lập trình cải thiện được bộ gõ này tốt hơn xin công bố lên mạng để mọi người cùng thưởng thức.

Nguyễn-Ninh – Nội-dung rút-gọn của chữ Việt mới

(Xem bản đầy-đủ của đề-án "Chữ Việt mới" của tác-giả Nguyễn-Ninh tại đây, bộ-gõ Chữ việt mới tạm-thời xem ở đây)

I. CẤU TẠO CỦA MỘT TỪ ĐƠN ÂM TIẾT:


Từ (đơn âm tiết) = Phụ âm đầu + Vần + Thanh.

II. PHỤ ÂM ĐẦU:
Đa số phụ âm đầu vẫn như cũ, chỉ có 9 sửa đổi: Chỉ dùng chữ k để biểu thị âm "cờ" và "quờ" thay cho c, k, qu; dùng c thay cho ch; d thay cho đ; f thay cho ph; q thay cho kh; j thay gi; z thay d; bỏ h trong gh, ngh.

III. VẦN :
Cách xây dựng các vần của Chữ Viêt Mới rất đơn giản: Mỗi vần được cấu tạo chỉ bằng một con chữ (nguyên âm) hoặc hai con chữ ghép lại ( môt nguyên âm và một phụ âm) mà vẫn xóa bỏ được hoàn toàn các dấu phụ. Thí dụ: og (ong); ok (ôc); yl (uyên); yj (ương)…
Mặt khác, vần cũng rất dễ nhớ vì chỉ cần học một số nhỏ vần từ đó suy ra nhiều vần khác nhờ hai phép biến đổi sau:

Nguyễn-Ninh – Chữ Việt mới dùng cho công-nghệ thông-tin

Tên tác-phẩm: Chữ Việt mới


Nội-dung: Đề-xuất phương-án cải-tiến chữ Việt hiện-nay thành chữ Việt không dấu


Tác-giả: Nguyễn-Ninh


Địa-chỉ: Hà-Nội, quận Đống-Đa, phố Chợ Khâm-Thiên, phường Trung-Phụng, ngõ 143, ngách 62,  số nhà 17.


Điện-thoại: 844 - 518 6134


(Giấy chứng nhận bản quyền tác giả số 266/2006/QTG do Cục Bản quyền Tác giả - Bộ Văn hoá Thông tin cấp ngày 17 tháng 02 năm 2006)


Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Một·số vấn·đề về chuẩn·mực·hoá ngôn·ngữ

Tác·giả: Hoàng·Tuệ
(In trong tạp·chí «Ngôn ngữ", số 3 và 4 (năm 1979), trang 137–151)

Qua các hội·nghị chuẩn·mực·hoá chính·tả và thuật·ngữ (1978–1979), có thể rút ra một·số vấn·đề chung, như các vấn·đề trình·bày dưới đây.
    1. Chuẩn mực hoá ngôn ngữ và văn hoá mới, con người mới
    2. Tiếp nhận từ của ngoại ngữ trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ
    3. Nhu cầu mượn từ
    4. Đồng hoá từ mượn
    5. Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
    6. Nhất quán và không nhất quán
Nguồn: http://ngonngu.net/index.php?p=166

Một·số vấn·đề về chuẩn·mực·hoá ngôn·ngữ: Chuẩn·mực·hoá ngôn·ngữ và văn·hoá mới, con·người mới

Tác·giả: Hoàng·Tuệ
(In trong tạp·chí «Ngôn ngữ", số 3 và 4 (năm 1979), trang 137–151)

Đây là vấn đề về quan điểm tư tưởng và quan điểm chính sách trong công tác chuẩn mực hoá ngôn ngữ nói chung. Thiết tưởng vấn đề này đáng được suy nghĩ nhiều nhất.

Trước tiên, cần chú ý tới một sự tổng kết của lịch sử: kẻ bành trướng tràn tới đâu là đem theo ngôn ngữ của chúng tới đó làm công cụ thống trị; và kẻ bị thống trị đấu tranh bảo vệ bảnn ngữ là góp phần rất quan trọng vào cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước. Tiếng Việt là một chứng minh cho thực tế lịch sử đó và cho tinh thần đấu tranh của dân tộc ta. Cho nên, hiện nay cũng như trong tương lai, "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" là một công tác luôn luôn có ý nghĩa chính trị sâu sắc, vì bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc là nhiệm vụ lâu dài của nhân dân ta.

Một·số vấn·đề về chuẩn·mực·hoá ngôn·ngữ: Tiếp·nhận từ của ngoại·ngữ trong quá·trình tiếp·xúc ngôn·ngữ

Tác·giả: Hoàng·Tuệ

Chất liệu ngôn ngữ bao gồm chất liệu hình thức và chất liệu nội dung.
Chất liệu nội dung là những sự vật, những khái niệm, những tư tưởng, tình cảm… Những cái đó, làm nên văn hoá vật chất và tinh thần của mỗi dân tộc, không phải và không thể là do mỗi dân tộc tạo ra tất cả. Có những cái, có cả những bộ phận, do tiếp nhận tự ngoài vào mà có, và cùng với sự tiếp nhận chất liệu nội dung là sự tiếp nhận chất liệu hình thức. Đó là lí do chính vì sao trong một ngôn ngữ có thể có những từ vốn của ngoại ngữ. Yêu cầu chuẩn mực hoá thường được đặt ra chủ yếu đối với những từ này. Vì thế, thiết tưởng cần phải tìm hiểu hiện tượng tiếp nhận từ của ngoại ngữ, phân loại những trường hợp khác nhau, mới có thể xác định giới hạn đối với yêu cầu nói trên.

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Quy-tắc chính-tả tiếng Việt và phiên-chuyển tiếng nước ngoài

Tác-giả: Chủ-tịch Hội-đồng Quốc-gia Chỉ-đạo Biên-soạn Từ-điển-bách-khoa Việt-Nam


I. Chính tả tiếng Việt
Hiện nay, trong các trường học và trong sách giáo khoa phổ thông đã thống nhất cách viết tiếng Việt theo chính tả truyền thống. Tuy nhiên, trong sách báo và giữa các nhà xuất bản vẫn chưa có sự thống nhất, nhất là việc phiên chuyển tiếng nước ngoài và chưa có văn bản quy định của Nhà nước.
Trong lúc chờ đợi quy định thống nhất của Nhà nước, được phép của thủ tướng chính phủ (Công văn số 4: 1635/VPCP-KG ngày 27 tháng 4 năm 2000) và thực hiện nghị quyết của Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam trong Hội nghị toàn thể ngày 3-4.5.2000, sau khi lấy ý kiến của các uỷ viên Hội đồng và được Ban thường trực thông qua, chủ tịch Hội đồng ban hành quy tắc chính tả và phiên chuyển tiếng nước ngoài để áp dụng thống nhất trong bộ Từ điển bách khoa Việt Nam và các công trình khoa học của Hội đồng.

Về bản dự thảo Quy định cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài trong các văn bản quản lí nhà nước

Tác-giả: Nguyễn-Văn-Khang


Sáng ngày 18 tháng 5 năm 2006, tại trụ sở Viện Ngôn ngữ học 36 Hàng Chuối - Hà Nội, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - PGS.TS Trần Đức Cường - đã chủ trì buổi họp báo giới thiệu bản Dự thảo Quy định cách viết cách đọc tên riêng nước ngoài trong các văn bản quản lí Nhà nước và việc công bố Dự thảo này trên báo chí để tranh thủ ý kiến góp ý. Tới dự có đại diện của Bộ Văn hoá và Thông tin, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, các báo Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Người đại biểu nhân dân,... Để giúp cho mọi người có thể tham gia góp ý kiến cho bản Dự thảo, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống xin giới thiệu bài viết của GS.TS Nguyễn Văn Khang về nội dung có liên quan đến bản Dự thảo này.

Quy-ước chính-tả tạm-thời trong công-nghệ thông-tin

Đối với CNTT, việc bảo đảm một cách viết thống nhất là rất quan trọng. Trong tiếng Việt, đã nhiều lần chúng ta phải giải quyết các vấn đề nảy sinh khi thiếu sự thống nhất:




  • Hơn 50 bảng mã tiếng Việt khác nhau, đến mức Đại học Bách Khoa TP.HCM viết một công cụ để sinh phông chữ theo bất kì bảng mã nào. Một sự lãng phí vô ích, thay vì 1 bộ mã, chúng ta dùng đến 50. Cũng may cuối cùng có Unicode.

  • Dấu tiếng Việt. Lúc trước chúng ta dùng tiếng Việt không dấu, sau đó là VIQR, VIQR* và bây giờ là tiếng Việt có dấu đầy đủ, với bảng 134 kí tự có dấu.


Hiện tại vẫn có nhiều điểm chưa thống nhất trong chính tả tiếng Việt. Nguyên do là hoặc đã có quy tắc chung nhưng người viết không nắm, hoặc có nhiều quy tắc khác nhau và mỗi người chọn cho mình một cách riêng. Mục đích của bài viết này nhằm giải quyết cả hai vấn đề này:


  • Nếu có quy tắc chung, sẽ nói rõ quy tắc này.

  • Nếu có nhiều quy tắc cùng tồn tại, sẽ phân tích sơ lược và chọn ra một quy ước riêng cho chúng ta.

Một·số vấn·đề về chuẩn·mực·hoá ngôn·ngữ: Ngôn·ngữ nói và ngôn·ngữ viết

Tác·giả: Hoàng·Tuệ
Vấn đề này rất rộng, nếu bàn tới các khác nhau giữa nói và viết ở tất cả các mặt; nên ở đây chỉ trình bày những điều có liên quan tới cải tiến chữ viết và chuẩn mực hoá chính tả.

Ngày xưa, trong truyền thống ngữ văn học thì văn bản là đối tượng nghiên cứu, và lời nói, tức là ngôn ngữ nói, không thể coi là có giá trị để nghiên cứu như ngôn ngữ viết được. Quan niệm ấy có lí do: ngôn ngữ viết tức là ngôn ngữ đã thành văn chương, thành những tác phẩm biểu hiện cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa đã có giá trị định hình của một ngôn ngữ; ngôn ngữ thì biến dộng, cho nên rất dễ trở thành "pha tạp", "hư hỏng". Vì thế, trước đây, sự chuẩn mực hoá cũng dựa trên ngôn ngữ viết để quy định cái đúng, cái sai. Như vậy, mặt chữ có uy thế hơn hẳn mặt âm. Vả lại, trong đời sống trước đây thì ở đâu sách cũng là công cụ chủ yếu của sự truyền đạt tư tưởng, văn hoá. Vai trò quan trọng như vậy của sách cũng là vai trò quan trọng của mặt chữ.

Sự chuyển biến lớn trong quan niệm về giá trị của mặt chữ đã xảy ra với ngôn ngữ học hiện đại: không, ngôn ngữ nói mới là cái cơ bản, và mặt chữ chỉ để biểu hiện mặt âm mà thôi. Mặt chữ còn nguy hiểm ở chỗ nó gây ra nhận thức sai lạc về ngôn ngữ. Quả nhiên, trong phạm vi nghiên cứu ngôn ngữ, đặc biệt về mặt ngữ âm lịch sử, nếu lấy mặt chữ làm căn cứ thì sai lệch là khó tránh, và cũng khó xử lí, theo yêu cầu chuẩn mực hoá, đối với những biến đổi ngữ âm đang diễn ra.

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Một·số vấn·đề về chuẩn·mực·hoá ngôn·ngữ: Nhu·cầu mượn từ

Tác·giả: Hoàng·Tuệ
Hành động mượn từ có thể chẳng có lí do gì chính đáng, chẳng đáp ứng một nhu cầu thực sự nào về ngôn ngữ, mà nhiều khi, chỉ là biểu hiện của ý thức không tôn trọng, không nghiêm túc đối với ngôn ngữ của dân tộc. Ở đâu cũng có sự tình này. Ở ta, rõ ràng là có khi đã như như thế. Thực ra, cái cớ lúc đầu là chưa có sẵn từ trong bản ngữ để đáp ứng ngay một nội dung mới, còn có tính chất ngoại. Thí dụ, chừng nửa thế kỉ trước, cái xe đạp là một trường hợp như thế và có người đã gọi nó là tự hành xa! Thí dụ này đáng chú ý, vì trước đây có lắm người thông tiếng Hán hễ gặp một nội dung mới từ phương Tây đến (đặc biệt là khái niệm trừu tượng về văn hoá, chính trị… nhưng cả khi là sự vật cụ thể cũng thế) thì một mặt, cự tuyệt chất liệu Pháp; mặt khác cũng không chịu tìm chất liệu Việt mà sẵn sàng dùng ngay chất liệu Hán, tức Hán Việt. Sự tình này, như đã nói, có nguyên nhân lịch sử trong quá trình tiếp xúc quá dài giữa tiếng Việt và "chữ Hán", tức là dạng ngôn ngữ viết của tiếng Hán được tiếp tục dùng ở Việt Nam, từ khi nước ta thoát khỏi ách thống trị của Trung Hoa. Sự tình ấy đã ảnh hưởng khá rõ đến trạng thái chung của từ vựng tiếng Việt. Mặc dù thế, nếu dùng lạm từ Hán Việt, tức là mượn gốc Hán là vẫn gây ra phản ứng chống đối của người Việt Nam. Tự hành xa đã tự lúc đầu tỏ ra là một sự kém cỏi học giả, không chấp nhận được và đã nhanh chóng bị thay thế bằng xe đạp. Từ mượn gốc Pháp cũng có thể gây ra phản ứng đó. Tủ lạnh đã được hoan nghênh để thay thế fri-gi-de. Ti vi chắc chắn rồi sẽ chịu số phận như fri-gi-detự hành xa thôi.

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Chuẩn·hóa ngôn·ngữ Việt

Tác·giả: Aiviet

17/06/2010 9:30 SA

Ngày xưa, tôi có một ông thầy người Hung rất mê học tiếng Việt. Ông ấy cũng là một nhà ngôn ngữ. Tuy nhiên, ông học lâu, nhưng nói vẫn không hay lắm. Có lần ông ta nói "Ngữ pháp chẳng qua là gậy của người mù, để dò dẫm đường đi" (Cái này thì đúng, người đã biết tiếng coi như người sáng thì cần gì ngữ pháp). "Tiếng Việt không có ngữ pháp nên khó học". Hồi đó tôi trố mắt và rất ức "Làm gì tiếng Việt lại không có ngữ pháp". Bây giờ ngẫm nghĩ quả nhiên thế thật.

Một·số vấn·đề về chuẩn·mực·hoá ngôn·ngữ: Nhất·quán và không nhất·quán

Tác·giả: Hoàng·Tuệ
Trong sự chuẩn mực hoá ở các mặt của ngôn ngữ, thường có xu hướng muốn đạt tới, thậm chí đòi hỏi phải đạt tới cái nhất quán. Thí dụ, trong tiếng Việt, thì khi đã nói "cái bàn" được là nói cái ghế, cái chăn, cái nhà… cũng được; như thế là nhất quán. Nhưng sự thực, không thể không thấy là trong tiếng Việt, vẫn có những hiện tượng về cái không nhất quán, thí dụ: trong sự đối lập có tàibất tài, các nghĩa khẳng định và phủ định được phân biệt rõ, nhưng ở thình lìnhbất thình lình thì nghĩa lại như nhau. Có thể dẫn một ví dụ khác: đổi Ý thành ItaliaÚc thành Ốt-xtrây-li-a… là nhất quán, nhưng chưa đổi Pháp thành Phơ-răng-xơ là không nhất quán. Trong tiếng Pháp, cũng có thể thấy rõ các nhất quán, ví dụ: la maison thì les maisons, le chien thì les chiens…; nhưng cũng có cái không nhất quán, thí dụ: nous lisons thì vous lisez, nhưng nous disons thì lại vous diles.

Một·số vấn·đề về chuẩn·mực·hoá ngôn·ngữ: Đồng·hoá từ·mượn

Tác-giả: Hoàng-Tuệ
Một từ mượn, nếu không bị thay thế, thì còn trải qua một quá trình chịu những tác động của người bản ngữ mới có vị trí vững vàng. Quá trình ấy là sự đồng hoá từ mượn. Nói chung, nó biểu thị mặt tích cực, sáng tạo, của người bản ngữ đối với từ mượn để nhằm tạo nên tính chất thuần nhất trong bản ngữ. Cho nên, trong sự chuẩn mực hoá ngôn ngữ, đồng hoá từ mượn là một yêu cầu rất được chú ý. Nếu ta nói đến sự Việt hoá từ mượn trong tiếng Việt thì chẳng hạn, người Pháp cũng nói đến sự Pháp hoá những từ mượn trong tiếng Pháp…

Tóm·tắt việc xác·định từ·loại tiếng Việt

[Hiện nay có hai trường·phái công·nhận/phủ·nhận tồn·tại cách phân·loại từ·vựng trong tiếng Việt - Theo Cao·Danh·Khải, "từ (trong ngôn·ngữ đơn·lập) không biến·đổi hình·thái do·đó không·thể phân·chia từ·loại một cách chính·xác"  - Nguyễn·Tiến·Hải]

A, Đặc·điểm ngữ·pháp 

- Đặc điểm hình thái học
- Thái độ ngữ pháp:
+ khả năng kết hợp
+ chức vụ ngữ pháp


B, Tiêu chí phân định từ loại

1- Ý nghĩa khái quát của từ: sự vật, hành động, tính chất...

2- Khả năng kết hợp với các từ ngữ khác trong ngữ lưu

3- Chức năng ngữ pháp (chức vự ngữ pháp, chức năng thành phần câu)

→ Sự phân định từ loại là sự phân chia vốn từ bằng bản chất ngữ pháp thông qua ý nghĩa khái quát và/ hoặc hoạt động ngữ pháp của từ trong câu.

→ Từ loại là những lớp từ có cùng bản chất ngữ pháp, được phân chia theo ý nghĩa khái quát, theo khả năng kết hợp với các từ ngữ khác trong ngữ lưu và thực hiện những chức năng ngữ pháp nhất định ở trong câu (Đinh Văn Đức. Ngữ pháp tiếng Việt – Từ loại).

Hỗn-nhập ngôn-ngữ - Một giải-pháp hiện-đại-hóa tiếng Việt theo quan-điểm Phạm-Quỳnh

Tác-giả: Đặng Hoàng Oanh


Giai đoạn đầu thế kỉ XX đánh dấu những biến đổi sâu sắc trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Các nhà văn học sử thường gọi đó là “giai đoạn giao thời”. Đây cũng là thời kì Việt Nam ở giữa “giao điểm của các nền văn minh” [4, tr.116]. Sự gặp gỡ giữa sức mạnh khoa học kĩ thuật phương Tây và minh triết thâm trầm phương Đông, cùng hai đối cực động – tĩnh đã phá vỡ hoàn toàn sự cân bằng vốn có của xã hội cũ đã tồn tại hàng ngàn năm. Điều đó đã tạo nên “trạng thái bất ổn về tinh thần có thực và khó sờ thấy được như khí quyển, một khí quyển đầy điện tích dông bão” [4, tr.340]. Phạm Quỳnh đã nhận ra tình trạng bất ổn ấy, và ông xem đó là những dấu hiệu khủng hoảng của văn hóa dân tộc trên con đường hòa nhập với phương Tây. Ông nhận thức một cách rõ ràng: nền văn hóa dân tộc đang cần một cuộc cải cách lớn. Trong hàng loạt những công việc phải tiến hành, có một việc hết sức cấp thiết: hiện đại hóa tiếng Việt. Điều này xuất phát từ mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa và ngôn ngữ. Phạm Quỳnh tâm niệm: “muốn có một nền văn hóa dân tộc thì phải tồn tại một ngôn ngữ dân tộc hoàn thiện xứng đáng là ngôn ngữ văn hóa” [4, tr.457].

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Chữ·viết tiếng Việt - Đặc·điểm và một·vài vấn·đề

Tác·giả: Giáo·Hoàng·Phê

I. Đặc·điểm chữ·viết tiếng Việt

1. Tiếng Việt là một ngôn ngữ âm tiết tính. Trong tiếng Việt ranh giới âm tiết trùng với ranh giới hình vị **. Người bình thường sử dụng tiếng Việt chỉ có ý thức về âm tiết, gọi là tiếng, nói chung không có ý thức về âm vị. Và cũng chỉ có ý thức về hình vị, gọi là chữ (ví dụ, chữ quốc, chữ gia, chữ nước, chữ nhà), nói chung không có ý thức về từ. Phản ánh đặc điểm cơ bản nói trên của tiếng Việt, chính tả tiếng Việt đơn thuần là chính tả âm tiết. Nếu xét ở cấp độ âm vị thì có rất nhiều điều bất hợp lí, nhưng nếu xét ở cấp độ âm tiết thì nói chung có sự đối ứng chặt chẽ giữa ngữ âm và chữ viết, có quan hệ một đối một giữa âm tiết ngữ âm và âm tiết chữ viết, chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Đây chính là ưu điểm lớn nhất của chữ viết tiếng Việt.

Linh·hồn tiếng Việt

Tác·giả: Cao·Xuân·Hạo

(Báo Văn nghệ)


Tôi có một bạn đồng nghiệp người Tiệp Khắc, tên là Tvó Vasiljev, tuổi ngoại ngũ tuần, nổi tiếng giỏi ngoại ngữ, tiếng Việt anh nói giọng Hà Nội đặc đến nỗi ai cũng nói nếu không trông thấy đôi mắt xanh và mái tóc vàng của anh thì tưởng đâu anh là dân Tràng An chính cống. Một hôm cùng anh đi máy bay từ Tân Sơn Nhất ra Hà Nội, khi ngồi trong ga đợi giờ ra máy bay, tôi bày trò đố anh mấy câu tục ngữ xem thử anh hiểu tiếng Việt sâu đến mức nào. Thoạt tiên tôi đố anh câu Vàng gió đỏ mưa. Chỉ sau 5 phút anh hỏi lại: 
- Có phải cũng nói là Vàng thì gió, đỏ thì mưa không? 
Tôi nói phải, thì anh cho biết là nhiều thứ tiếng châu Âu cũng có những câu tương tự trong cái vốn tri thức gọi là "khí tượng học dân gian", cho nên anh đoán được nghĩa của câu tục ngữ Việt Nam một cách khá dễ dàng. Sau khi lên máy bay, tôi lại đem câu Chó treo, mèo đậy ra đố anh. Lần này anh nhắc đi nhẩm lại mấy lần rồi chìm sâu vào suy tưởng, suốt mấy tiếng đồng hồ bay không nói một câu nào, chỉ nhắc khẽ câu tục ngữ tôi vừa "ra" cho anh, cố phân tích, tìm hiểu nội dung ý nghĩa của nó.

Đặc·điểm của thuật·ngữ tiếng Việt

Tác·giả: PGS TS Hà·Quang·Năng
(Tạp·chí Từ·điển·học & Bách·khoa·thư, số 2 (11·2009) và số 3 (1·2010))

Hơn nửa thế·kỉ qua, kể từ sau Cách·mạng Tháng·Tám năm 1945, tiếng Việt đã có một vị·thế quan·trọng trong xã·hội Việt·Nam và trên trường quốc·tế. Tiếng Việt giữ địa·vị chính·thống, được sử·dụng làm ngôn·ngữ chung trong mọi hoạt·động của các dân·tộc trên lãnh·thổ Việt·Nam. Sự·nghiệp công·nghiệp·hoá, hiện·đại·hoá đất·nước, đặc·biệt là sự·phát·triển mạnh·mẽ của sản·xuất và khoa·học kĩ·thuật · công·nghệ, đòi·hỏi tiếng Việt cũng phải phát·triển nhanh·chóng, trước·hết là trong lĩnh·vực thuật·ngữ khoa·học. Trong lịch·sử hiện·đại nước·ta đã từng có bốn lần tiếng Việt đứng trước yêu·cầu phát·triển nhanh·chóng để thích·hợp với sự·chuyển·mình của xã·hội như vậy. Lần thứ nhất là đầu thế·kỉ XX. Trước sự·phát·triển nhanh·chóng về công·nghiệp, giao·thông, kinh·tế, pháp·luật… phục·vụ chính·sách khai·thác thuộc·địa của thực·dân Pháp, sự·phát·triển của các ngành khoa·học, sự·du·nhập văn·hoá Âu·châu, sự·đổi·mới trong nếp sinh·hoạt, nếp nghĩ của một bộ·phận dân·cư… tiếng Việt đã có sự·phát·triển rất mạnh về từ·vựng và cả một phần cú·pháp. Đặc·biệt, trong thời·kì này, vốn·liếng thuật·ngữ khoa·học ban·đầu của nước·ta đã được hình·thành, chữ Quốc·ngữ được truyền·bá rộng·rãi. Lần thứ hai là sau cuộc Cách·mạng Tháng·Tám năm 1945. Trước sự·chuyển·mình của đất·nước ta từ một nước nửa phong·kiến thuộc·địa sang một nước cộng·hoà dân·chủ độc·lập, với quan·hệ xã·hội kiểu mới, cách nghĩ mới, nếp sống mới của toàn·bộ dân·cư, với sự·tăng nhanh số người tham·gia đời·sống chính·trị · văn·hoá · xã·hội, tiếng Việt đã giữ vai·trò ngôn·ngữ quốc·gia với sự·mở·rộng chức·năng và sự·dân·chủ·hoá, chữ·viết trở·thành thứ văn·tự bắt·buộc phải học đối·với toàn·thể dân·cư. Lần thứ ba là những năm 60. Trước yêu·cầu của 3 cuộc·cách·mạng tư·tưởng văn·hoá, cách·mạng khoa·học kĩ·thuật, trước sự·phát·triển mạnh·mẽ của tất·cả các ngành khoa·học và giáo·dục, sự·phát·triển giao·lưu quốc·tế, tiếng Việt đã hoàn·thành quá·trình hiện·đại·hoá, dân·chủ·hoá và mở·rộng chức·năng được bắt·đầu từ hai giai·đoạn trước. Trong hoàn·cảnh đó, hệ·thống thuật·ngữ tiếng Việt đã có những bước phát·triển vượt·bậc. “Vào cuối thập·kỉ 60, đầu thập·kỉ 70, tổ thuật·ngữ thuộc Uỷ·ban Khoa·học kĩ·thuật Nhà·nước (…) đã tổ·chức biên·soạn một loạt các từ·điển đối·dịch thuật·ngữ cho hầu·hết các ngành khoa·học tự·nhiên, khoa·học kĩ·thuật và khoa·học xã·hội” [8, 20]. Đây là công·sức của rất nhiều nhà·khoa·học ở miền Bắc Việt·Nam lúc bấy·giờ.

Danh·sách từ gốc Pháp trong tiếng Việt

Người·soạn: Nguyễn·Tiến·Hải

Cập·nhật: 2012, tháng 10, ngày 14. Tổng số từ đã cập·nhật: 440
Đăng lần đầu tiên: 2011, tháng 01, ngày 18.

Vì sự phát·âm cho trúng

Tác·giả: Phan·Khôi
(Đông Tây, Hà Nội, số 132 (ngày 16 tháng 12 năm 1931))

Kính cáo anh em từ Bắc vào Nam
Hiện nay nhiều người đã phải nhận rằng: nếu chúng ta muốn trở nên một dân tộc đứng đắn, xứng đáng với sự sinh tồn trên thế giới, thì phải cải lương mọi điều trong sự sinh hoạt của chúng ta, từ tư tưởng, văn tự cho đến miếng ăn, nơi ở, việc làm, cho thích hợp với sự yêu cầu của thời đại mới được. Mà muốn thế, tất phải gia công vào văn tự trước.

Đặc·điểm tiếng Việt

Tác·giả: Vũ·Xuân·Lương

Tiếng Việt thuộc ngôn ngữ đơn lập, tức là mỗi một tiếng (âm tiết) được phát âm tách rời nhau và được thể hiện bằng một chữ viết. Đặc điểm này thể hiện rõ rệt ở tất cả các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.

1. Đặc điểm ngữ âm:

Có nên phân biệt đối xử với từ Hán Việt?

Tác-giả: Lê-Xuân-Mậu
(Tạp chí Văn, 2002)

Cần coi là từ Việt

Trong sự giao lưu giữa các cộng đồng sử dụng ngôn ngữ khác nhau, việc mượn từ ngữ của nhau là việc hết sức bình thường. Vấn đề là mượn như thế nào để có thể bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của mình. Trong tiếng Việt, người ta đã chỉ ra khá nhiều từ mượn từ gốc Thái, Khmer... mà ta vẫn coi là thuần Việt. Với người bình thường, khó mà nhận ra gốc Pháp của các từ cốc, tách, xăm, lốp... Vì vậy gọi từ Hán Việt để phân biệt từ thuần Việt cũng chỉ nên coi là một "thủ pháp" trong học tập nghiên cứu. Chẳng nên quá "phân biệt đối xử" khi coi từ Hán Việt như nguyên nhân làm tiếng Việt giảm đi sự thuần nhất và trong sáng của nó.

Ta đã có khá nhiều giải pháp hay khi mượn từ Hán Việt và khối từ này đã ngày càng Việt hóa cao. Cố nhiên ta phải phấn đấu cho tiếng Việt ngày càng phong phú, hay và đẹp hơn. Muốn thế, các nhà văn hóa, những người sử dụng ngôn ngữ nhiều phải góp phần sàng lọc các yếu tố tiêu cực trong các lớp từ, kể cả lớp từ mượn Hán Việt, mượn "quốc tế" hiện nay lẫn lớp từ được coi là thuần Việt. Bởi vì lớp từ nào cũng có những yếu tố tiêu cực cần sàng lọc cả.

Những yếu tố Hán Việt "tiêu cực"

Chữ "bị" và con đường Việt-hóa các từ gốc Hán

Tác-giả: Lê-Xuân-Mậu

(Tạp chí Tài hoa trẻ)

Một chút lai lịch

Đúng ra thì phải "vẽ" ra cái chữ Hán này để khỏi lầm với ít nhất là ba, bốn chữ khác cũng đọc là "bị" (theo các ông Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Khôn) nhưng làm thế là không cần lắm với nhiều bà con mình. Cái chữ "bị" nói đến ở đây thực ra có đến ba nghĩa. Hai nghĩa khác ta không đưa vào tiếng Việt là: cái mềm, khắp đến. Còn nghĩa "chịu, mắc phải" xin được nói sau.

Một điều đáng nói nữa là cái chữ này có tới hai cách đọc khi sang Việt Nam theo phát hiện của ông Nguyễn Tài Cẩn (*). Đó là cách đọc "bị" và cách đọc "phải" mà ta thường cho là thuần Việt.

Một bước tiền trạm

Theo ông Nguyễn Tài Cẩn, xưa kia tiếng Việt chưa có hình thức diễn đạt sắc thái đánh giá tiếp nhận tốt xấu, hoặc may rủi. Người ta đã mượn của tiếng Hán yếu tố được một hình thức phát âm một chữ, sau này âm Hán Việt đọc là đắc (đắc thắng, đắc ý, đắc cử...) để diễn đạt sắc thái đánh giá "tốt, may": được khen, làm được... Và họ mượn yếu tố phải để diễn đạt sắc thái đánh giá xấu, rủi: phải phạt, giẫm phải gai...

Sự việc đó diễn ra trước khi có âm Hán Việt (mượn từ thời Đường) nên thường các chữ "được", "phải" đều coi như từ thuần Việt. Khi đã có anh em sinh đôi (phải) diễn đạt ý nghĩa đánh giá tiếp nhận "rủi, xấu" thì bị không được mượn vào tiếng Việt nữa (vì không cần). Bị chỉ được mượn vào tiếng Việt với tư cách là một từ tố nằm trong vài từ ghép như bị cáo, bị động, (số) bị trừ, (số) bị nhân...

Đến lúc phải vào

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Khái·quát về hệ·thống ngữ·âm của 3 vùng phương·ngữ

Hiện nay, chuẩn ngữ âm chưa được chính thức quy định. Nếu ta lấy hệ thống âm vị tiếng Việt được phản ánh qua chính tả làm chuẩn để khảo sát sự khác nhau của 3 phương ngữ nói trên thì có thể nêu lên những đặc trưng ngữ âm chủ yếu như sau:

1. Những đặc điểm ngữ âm của phương ngữ Bắc


Đặc·điểm ngữ·âm phương·ngữ Nghệ·Tĩnh với việc nghiên·cứu lịch·sử tiếngViệt

Tác·giả: TS. Nguyễn·Hoài·Nguyên

1. Dẫn nhập
Các kết quả nghiên cứu lịch sử tiếng Việt cho thấy các nhà ngữ học đã tiếp cận vấn đề theo nhiều hướng khác nhau. Có thể xuất phát từ mảng từ Hán- Việt để tìm hiểu diễn biến của hệ thống âm đầu tiếng Việt như H. Maspero (1912), Nguyễn Tài Cẩn(1977, 1995). Có thể tiếp cận từ tiếng tiền Việt- Mường đến tiếng Việt hiện đại như A.Haudricourt(1953, 1954), M.Ferlus(1975, 1981, 1995), Phạm Đức Dương (1979, 1983), Trần Trí Dõi (1987, 1991, 2005). Có thể xuất phát từ các thư tịch cổ, trước hết là các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm như Lê Quán(1973), Vương Lộc(1989, 1995), Nguyễn Ngọc San(1985, 2003). Cũng có thể xuất phát từ các ngôn ngữ họ hàng với tiếng Việt như tiếng Mường, tiếng Thổ, tiếng Cuối, tiếng Chứt…và các ngôn ngữ Môn-khmer khác như cách làm của H.Maspero(1912),A.Haudricourt(1953,1954),M.Ferlus(1981),N.K.Xokolovskaja(1976, 1978). Có thể xuôi dòng lịch sử: từ nguyên sơ, tức là từ ngôn ngữ tiền Việt- Mường đến tiếng Việt hiện đại theo cách của H.Maspero(1912), M.Ferlus(1981), Trần Trí Dõi(2005). Cũng có thể ngược dòng lịch sử, từ hiện đại trở về nguyên sơ như cách của Nguyễn Tài Cẩn(1995), Nguyễn Ngọc San(2003). Cùng với những hướng tiếp cận trên, có thể nghiên cứu lịch sử tiếng Việt từ góc độ phương ngữ học.


Phương ngữ học Việt đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử phát triển tiếng Việt qua những nghiên cứu, đối chiếu các hiện tượng ngôn ngữ giữa các vùng, các miền đất nước. Sự tồn tại và đang hành chức của một phương ngữ và giữa các phương ngữ có một mối liên hệ về lịch sử bởi vì Lịch sử tiếng Việt tìm thấy trên bản đồ phương ngữ sự ánh xạ trong không gian của sự diễn biến của nó trong thời gian [3, tr. 28]. Dĩ nhiên, cái hình ảnh lịch sử qua không gian chỉ là một khái niệm tương đối thể hiện những đặc điểm nào đó của các thời kì khác nhau của một ngôn ngữ chứ không phải thể hiện một cách trọn vẹn các giai đoạn khác nhau ấy. Nhưng trong điều kiện tư liệu quá ít ỏi thì những yếu tố bảo lưu còn vương lại ở những mảnh biến thể địa phương của tiếng Việt đương đại cũng có thể cho phép người nghiên cứu tái lập những dạng ngôn ngữ ở các thời điểm phát triển đã có trong diễn trình tiếng Việt. Vậy là, trong các phương ngữ Việt, phương ngữ Nghệ Tĩnh(PNNT) là một trong vài phương ngữ hiếm hoi còn bảo lưu nhiều yếu tố cổ, thậm chí rất cổ của tiếng Việt ở các giai đoạn trước đây. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã xác nhận điều đó: Trong các vùng phương ngữ Việt, vùng phương ngữ Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Trị Thiên có một vị trí đặc biệt: đây là vùng hiện còn giữ rất nhiều nét cổ. Có thể coi đây là một kho tàng cứ liệu có thể giúp ích được rất nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt giai đoạn khá xa xưa( cách đây năm trăm năm trở lên) [1, tr. 14]. Bài viết này nêu vài suy nghĩ về lịch sử ngữ âm tiếng Việt từ các đặc điểm ngữ âm PNNT.

2. Vị trí của phương ngữ Nghệ Tĩnh trong các vùng phương ngữ Việt

Phương·ngữ Quảng·Nam

Tác·giả: Vũ·Đức·Sao·Biển

Một cách khái quát, ngôn ngữ nói của người Quảng Nam có một số phương ngữ trùng hợp với phương ngữ của nhiều tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng. Đó là các từ ngữ như ở mô (ở đâu), đằng tê (đằng kia), cái chi rứa (cái gì vậy), con khọn (con khỉ), xa ngái (xa lắm)…

Đất Quảng Nam phần lớn là rừng núi và vùng bán sơn địa, nhiều sông suối đèo dốc nên địa hình khá hiểm trở. Tổ phụ của người Quảng Nam phần lớn là người Thanh Hóa, Nghệ An. Trên 500 năm trước, theo bước chân của vua Lê Thánh Tông, năm 1471, họ về phương Nam khai phá đất đai, lập làng mới.

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Tiếng Việt "giàu" nhưng có còn "đẹp" trên mạng thông-tin toàn-cầu?

Tác-giả: Vũ-Xuân-Lương – Trung-tâm Từ-điển-học

(Tạp-chí Ngôn-ngữ & Đời-sống, 2002)
Internet đang ngày càng tác-động sâu-rộng đến đời-sống, tình-cảm và thói-quen văn-hoá của toàn nhân-loại. Dù muốn hay không, dù nhiều hay ít, cuối-cùng thì tất-cả chúng-ta cũng đều bị cuốn đi theo nó một cách vô-hình. Xu-hướng hiện-nay của kĩ-nghệ phần-mềm là đều tập-trung vào phát-triển và phổ-biến các sản-phẩm dựa trên nền Internet. Công-nghệ Internet thực-sự đã tạo-nên được một "thế-giới ảo" về "cuộc-sống thực" mà chúng-ta đang sống.

Internet là nơi biểu-hiện nhiều nét đặc-trưng ngôn-ngữ và văn-hoá của nhiều nước trên thế-giới. Kho tri-thức chung khổng-lồ của nhân-loại được luân-chuyển từng giây, từng phút trên mạng thông-tin toàn-cầu này đang đặt ra nhiều thách-thức mới cho nhiều quốc-gia, trong đó có Việt-Nam chúng-ta. Sự phát-triển nhanh-chóng về mặt năng-lực tính-toán của cá-nhân đòi-hỏi phải có những công-cụ xử-lí thông-tin sao-cho phù-hợp, đồng-thời giúp làm tăng năng-lực tính-toán lên cao hơn nữa và giúp cho quá-trình phổ-cập thông-tin đến cho mọi-người cùng được thụ-hưởng.

Từ thực-tế đó, một xu-hướng đa-ngôn-ngữ quốc-tế đã được hình-thành. Tuy-nhiên, do lí-do về văn-hoá, địa-lí, và nhiều lí-do khác, xu-hướng này chưa được quan-tâm đúng-mức tại nước ta. Trong nhiều năm qua, việc trao-đổi và sử-dụng thông-tin đa-ngôn-ngữ, thậm-chí trên cùng một ngôn-ngữ như tiếng Việt, cũng đã gặp không ít khó-khăn, trở-ngại. Vậy thì trong những năm qua, "diện-mạo" tiếng Việt ra-sao trong xu-hướng đa-ngôn-ngữ này, và chúng-ta đã chuẩn-bị những gì cho sự "trình-làng" của tiếng Việt trong tương-lai? Nội-dung của bài-viết mà chúng-tôi sẽ trình-bày sau đây nhằm trả-lời cho câu-hỏi trên.

Nẫu ơi, thương lắm!

Tác-giả: Nguyễn-Phúc-Liêm


(Bài này nói về phương-ngữ Bình-Định)


Tiếng địa phương là tiếng nói chỉ phổ thông ở một địa phương, thường là một tỉnh, tuy nhiên cũng có nhiều tiếng chỉ dùng ở một vùng nhỏ và dĩ nhiên chỉ có người địa phương đó mới hiểu, mới áp dụng hàng ngày. Và đối với họ, đó là nét riêng rất thân thương. Ở Bình Định có khá nhiều tiếng địa phương, tượng trưng nhất là hai tiếng "nẫu""bậu".

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Tiểu·từ·điển phương·ngữ Huế

Người·soạn: Nguyễn·Tiến·Hải, Ngô·Đức·Tài, Nguyễn·Minh·Hải.

Cập·nhật vào ngày 15 tháng 01 năm 2011.

Nhận·xét về một số đặc·điểm của phương·ngữ Huế:
  
1.    Các tiếng trong tiếng phổ·thông (tiếng Việt chuẩn quốc·gia hiện nay) có vần tận·cùng là t thì bị đổi thành c, ví dụ: nhất=> nhấc, cất=>cấc, ướt=>ước, mứt=>mức, tuất=>tuấc, chuột=>chuộc,...

2.    Các tiếng trong tiếng phổ·thông có vần tận·cùng là n thì bị đổi thành ng, ví dụ: san=>sangcần=>cầng, lăn=>lăng, nhưng lên vẫn đọc lên chứ không đọc lêng, phiên=>phiêng, can=>cang,

3.    Các tiếng trong tiếng phổ·thông có vần là anh thì bị đổi thành ăn (gần ân), ví dụ: chanh=>chăn, anh=>ăn,...

4.    Các tiếng có phụ·âm s bị đổi thành phụ·âm x

5.    Các tiếng có vần oi bị đổi thành vần oai, ví dụ: nói=>noái, khói=>khoái.

6.    Các tiếng có vần ach bị biến đổi thành vần gần với ăt, sách=>sắt


Bảng·kê dưới đây liệt·kê những từ người Huế dùng. Xin vui lòng xem thêm Tiểu·từ·điển phương·ngữ tỉnh Quảng·Bình.Có một số từ người Quảng·Bình và người Huế dùng chung chúng tôi không nhắc lại ở trong bảng này nữa.

Tiểu·từ·điển phương·ngữ Quảng·Bình

Người·soạn: Nguyễn·Tiến·Hải, Nguyễn·Minh·Hải.

Cập·nhật vào ngày 17 tháng 01 năm 2011. (558 mục·từ)

Nhận·xét về một số đặc·điểm của phương·ngữ tỉnh Quảng·Bình: 
  • Các tiếng trong tiếng phổ·thông (tiếng Việt chuẩn quốc·gia hiện·nay) có dấu·ngã (~) thì thường được phát·âm thành dấu·nặng (.), ví dụ: đã => đạ, đũa => đụa, mỡ =>mợ,... 
  • Một số ít tiếng có dấu hỏi bị biến thành dấu nặng: cửa => cựa, 
  • Các tiếng có vần ưng => ơng. Ví·dụ: trứng => trớng, mừng=>mờng, đựng=>đợng,… 
  • Vần ông => ôông. Ví·dụ: không => khôông, ông => ôông, công việc => côông việc, chồng sách => chôồng sách,... 
  • Vần oc => ooc, vd: học => hoọc, đọc => đoọc, mọc => moọc, móc => moóc,...(nhưng điều này không phải luôn luôn đúng, ví·dụ: "con cóc" vẫn là "con cóc", ...) 
  • Các tiếng có phụ âm nh => d (z), ví·dụ: nhiều => diều, nhãn => dản, nhà => dà,… 
  • Các xã khác nhau trong tỉnh, thậm chí hai làng cạnh nhau cũng có tiếng nói khác nhau (đáng kể hoặc không đáng kể), cụ thể là cách phát âm các phụ âm và một số nguyên âm bị lệch chuẩn.
Ví·dụ, dân xã Hoàn·Trạch (huyện Bố Trạch) thường phát·âm các tiếng có phụ·âm đầu là dgi thành r, ví dụ: con dao => con rao. Dân thôn Đại Nam 1, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch thường phát âm chữ như chữ th trong các từ tiếng Anh this, that, the, ví dụ: dạ dày => dạ thày. Còn dân thôn Đại Nam 2 ở kế bên phát âm chữ mặn => ma..ạn,...

Quy·ước chữ·viết·tắt:

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Tiếng Việt sao phỏng ngữ-pháp tiếng Pháp từ lúc nào?

Tác-giả: Cao Xuân Hạo

Năm 1983, GS. Phan Ngọc viết: "Trong Truyện Kiều, ngữ pháp Việt Nam" chưa có ngữ dẫn xuất tức chưa được khu biệt hóa (...) chưa có sự chuyển hóa và cấp độ hóa (…) chỉ có kiến trúc động từ mà không có kiến trúc danh từ, chỉ có kiến trúc chủ động mà không có kiến trúc bị động, chỉ có cú phụ bậc một mà chưa hề có cú phụ bậc hai, bậc ba, vân vân" (1).
Ở một số đoạn sau, ông nói rõ thêm:

"Đoản ngữ danh từ là một sản phẩm mới của ngữ pháp Việt Nam, ra đời do sự tiếp xúc với đoản ngữ danh từ của châu Âu (…). Lí do chính của sự ra đời đoản ngữ danh từ là sự đối lập giữa danh từ Việt Nam với danh từ châu Âu (...).

Những khái niệm về số có mặt thường xuyên trong danh từ châu Âu cũng thúc đẩy người Việt Nam phải sử dụng những công cụ ngữ pháp tương đối thường xuyên để chỉ số. Do đó, ngày xưa nói người, ngày nay nói tám cách: người, con người, một người, một con người, những người, những con người, các con người, các người".

Muốn xây dựng được một ngôn ngữ thích hợp với sự diễn đạt khoa học [...], tiếng Việt chỉ có một cách là mạnh dạn thực hiện sự sao phỏng ngữ pháp (tôi nhấn mạnh - Cao Xuân Hạo) để làm cho ngôn ngữ mình có được mọi ưu thế của ngôn ngữ châu Âu.

[...] "Công cuộc sao phỏng ngữ pháp châu Âu của tiếng Việt tiến mạnh nhất sau khi giành độc lập, [...] giúp cho việc phiên dịch từ tiếng châu Âu sang tiếng Việt ngày nay dễ hơn giai đoạn trước...

Về học·giả - nhà·báo Trương·Vĩnh·Ký: Tiếng Việt - Những công·lao bị quên·lãng

Tác·giả: Cao·Xuân·Hạo 


Trong quá trình xây dựng ngành việt ngữ học, một quá trình đã có một lịch sử khá dài (hơn mười hai thập niên kỷ - gần đến một thế kỷ rưỡi, ta không thấy có một trình tự phát triển và tiến bộ liên tục, trong đó người đi sau học tập những thành tựu của người đi trước, cố hiểu rõ cội nguồn của những nhận định và những kết luận của họ trong thực tế nói năng của dân tộc, kiểm tra lại xem những nhận định và kết luận này có phù hợp với cách nói năng của nguời bản ngữ hay không, và nếu không thì phê phán, chỉnh lý và bổ sung cho những nhận định ấy được chính xác và khái quát hơn, và mặt khác cố gắng tiếp thu những phát kiến thành công của các trào lưu tiến bộ trong trong lý thuyết ngôn ngữ học thế giới để soi sáng những vấn đề có liên quan đến tiếng mẹ đẻ của mình.

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Sách dạy tiếng Việt và tiếng Việt thật

Tác-giả: GS. Cao Xuân Hạo


Đã mấy mươi năm nay có nhiều người, trong đó có bản thân tôi, đã viết khá nhiều để chứng minh rằng cái môn mà ta dạy cho học sinh và sinh viên dưới tiêu đề "Ngữ pháp tiếng Việt" thật ra chỉ là ngữ pháp tiếng Pháp với những câu thí dụ dịch rất sát từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, và nội dung của giờ "tiếng Việt" chỉ là học những quy tắc ngữ pháp của tiếng Pháp hay một thứ tiếng Âu châu nào đó, bất chấp những quy tắc này có tác dụng gì đối với việc nói và viết đúng tiếng Việt, thậm chí bất chấp cả những trường hợp nó trái ngược hoàn toàn với những quy tắc ngữ pháp của tiếng Việt – những quy tắc vẫn thực sự chi phối lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Việt.

Chuẩn·hoá tiếng Việt về mặt từ·vựng

Tác·giả: Giáo·sư Hoàng·Phê, 1979

1. Khái niệm chuẩn và chuẩn hoá

Khái niệm chuẩn - không chuẩn không đồng nhất với khái niệm đúng - sai.

Cấu trúc ngôn ngữ cung cấp những kiểu: kiểu cấu tạo âm tiết, kiểu cấu tạo từ, kiểu tổ hợp cú pháp, v.v. Ngôn ngữ chỉ sử dụng một số những gì các kiểu có thể tạo ra. Những thực tế ngôn ngữ này, đề nghị gọi là những mẫu ngôn ngữ. Mẫu có tính bắt buộc tuyệt đối, có tính ổn định rất cao. Trừ trường hợp cá biệt, vi phạm mẫu bị đánh giá là sai. Có thể coi mẫu, cũng như cấu trúc, là phạm trù thuần tuý ngôn ngữ.Khi có hai ba (đôi khi nhiều hơn) mẫu khác nhau cho cùng một yêu cầu diễn đạt, thì đó là trường hợp đề nghị gọi là lưỡng khả. Trong ngôn ngữ nói tự nhiên thường ngày, tình trạng lưỡng khả không có nhiều và thường chỉ có tính chất nhất thời. Một đặc điểm của ngôn ngữ văn hoá, dùng cho nhiều phong cách khác nhau và thống nhất trong cùng một cộng đồng ngôn ngữ lớn (thường là một dân tộc), là tình trạng lưỡng khả có nhiều và không phải là nhất thời, do có sự khác biệt giữa các phương ngữ và do có những yêu cầu khác nhau của các phong cách. Khi có lưỡng khả thì chuẩn ngôn ngữ là kết quả sự đánh giá, lựa chọn của xã hội đối với các mẫu mà ngôn ngữ cung cấp. Sự đánh giá, lựa chọn này không dễ có được sự nhất trí hoàn toàn, nó lại có thể thay đổi tuỳ theo nhận thức và tâm lí của xã hội. Tính chất bắt buộc cũng như tính ổn định của chuẩn chỉ là tương đối. Chuẩn là một phạm trù ngôn ngữ - xã hội.Không nên đồng nhất chuẩn với mẫu, như chẳng hạn trong định nghĩa của E. Coseriu, cho rằng chuẩn ngôn ngữ là kết quả "sự lựa chọn trong phạm vi những khả năng thực hiện mà hệ thống cho phép". Thật ra, chuẩn không có quan hệ trực tiếp với hệ thống. Mẫu và chuẩn đều là kết quả sự lựa chọn của xã hội, nhưng một đằng là một sự lựa chọn đã hoàn toàn thuộc về quá khứ, một đằng là một sự lựa chọn đang diễn ra trong hiện tại. Đồng nhất chuẩn với mẫu là đồng nhất đương thời với lịch sử, đồng nhất đồng đại với lịch đại; là đồng nhất cái thuộc phạm vi tác động trực tiếp của con người với cái đã ra ngoài phạm vi ấy. Kết quả là chỉ nhìn thấy ở chuẩn cái đã hình thành, một nhân tố ổn định, mà không đồng thời nhìn thấy cái đang hình thành, một nhân tố phát triển.Con người có thể tác động trực tiếp đến sự hình thành và sự thay đổi của chuẩn ngôn ngữ. Tác động chuẩn hoá này là một tác động thường xuyên. Chính qua tác động chuẩn hoá mà con người có thể tác động đến mẫu ngôn ngữ và, trong những điều kiện nhất định, đến cả cấu trúc ngôn ngữ. Khi tác động chuẩn hoá trở thành một hoạt động có ý thức rõ rệt, thì đó là công tác chuẩn hoá. Đối tượng của công tác chuẩn hoá chỉ là ngôn ngữ văn hoá, và phạm vi của chuẩn hoá chỉ là những trường hợp lưỡng khả mà chuẩn chưa được xác định rõ ràng.

Tiếng nói và chữ viết của người Việt cổ

Tác-giả: Cung-Đình-Thanh


Bài này nhắm trình bày điểm phức tạp nhất của con người Việt cổ là tiếng nói và chữ viết. Người Hoà Bình đã có tiếng nói như thế nào? Và khi họ tiến vào địa phận nay là Trung Hoa thì họ đã đem tiếng nói đó đóng góp thế nào trong sự phát triển tiếng nói và nhất là đã đóng góp gì trong việc hình thành chữ viết tại Trung Hoa?


Thực sự đây là vấn đề phức tạp, thuộc lãnh vực chuyên môn của các nhà ngôn ngữ học. Nhưng người viết lại không thể không đề cập đến bởi vấn đề tiếng nói dính liền với con người.

Việt-ngữ hỏi-ngã tự vị

Tác-giả: Đinh-Sĩ-Trang

Tên sách: "Việt ngữ hỏi-ngã tự vị"

Link tải sách: doc.google

Định-dạng file: PRC

Chương-trình dùng để đọc sách: Bạn phải dùng chương-trình đọc file PRC thì mới đọc được sách này, link tải chương-trình: http://www.mobipocket.com/en/downloadsoft/DownloadReaderDesktop.asp)

Mục-lục:

1. Bảy điều-luật về dấu hỏi ngã

2. Cách tra chữ trong tự vị này

3. Tài-liệu tham-khảo

(Nguồn: http://www.e-thuvien.com/forums/showthread.php?p=227162)

Một-số vấn-đề về chính-tả tiếng Việt

Sách điện-tử "Một số vấn đề về chính tả tiếng Việt"

Tuyển tập một số bài viết về các vấn đề chính tả còn nhiều tranh cãi

Định-dạng file: PRC

Link download: Google documents

(Bạn phải dùng chương-trình đọc file PRC thì mới đọc được sách này, link tải chương trình: http://www.mobipocket.com/en/downloadsoft/DownloadReaderDesktop.asp)

Mục-lục:

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Tiếng Việt - Vài vấn·đề chữ·viết

Tác·giả: Dũng Vũ

(Trích từ Thử bàn về tiếng Việt, Dung Vu, 1999, Stuttgart (bổ sung và hiệu đính))

Trong mấy thập niên qua, nhiều người Việt sống ở miền Nam hoặc ở hải ngoại đã lấy làm lạ về cách dùng chữ cái “i” thay cho “y” trong chữ Việt. Hiện tượng này khá phổ biến, nhất là ở miền Bắc. Ví dụ, “kỳ” được viết thành “kì”, “quốc kỳ” thành “quốc kì”.

Sự thay đổi “y” thành “i” đã gây nhiều tranh cãi. Người thì bảo: “Thúy” không thể thay thế bằng “thúi” được. Người khác bèn biện luận: Ðó là trường hợp ngoại lệ. Thử tưởng tượng, thay vì viết “kỹ sư”, ta có thể viết thành “kĩ sư”, bởi tại sao xưa nay người ta không viết “bác sỹ” mà là “bác sĩ”. “y” và “i” giống nhau, chỉ khác “i” ngắn, “i” dài. Bên kia liền chống lại: Thế thì “kỳ” có nghĩa như “cờ” sẽ bị lẫn lộn với “kì” như “kì cục”. Nghe hai bên tranh cãi, người đứng nghe phát bực: Thôi! Lôi thôi quá, “i ngắn” với “i dài”. Sao không đổi luôn “q” thành “c”, viết “quốc” thành “cuốc” cho tiện. “k” phát âm cũng như “c”, bỏ “k” luôn, viết “quốc kỳ” thành “cuốc cì”.

Vậy là “quốc” (nước) hóa thành cái cuốc. “Kỳ” (cờ) nghe như “kì cọ”, “kì cục”.

Chưa hết. Nhiều người còn muốn thế “gi” bằng “d”. Ðiều này có lẽ không dễ dàng như thay thế “y” bằng “i”. “Gia” đâu thể thế bằng “da” được. “Gia thuộc” khác “da thuộc” chứ. Lời phàn nàn có lý. Người phàn nàn nếu bảo thủ, không nói làm gì, nhưng nếu cấp tiến và sẵn sàng chấp nhận sự cải tiến cách viết, thì cũng chẳng biết phải theo quy tắc nào.

Cực đoan hoặc mỉa mai hơn nữa là những ý kiến cho rằng, thay thế vậy vẫn chưa có “zì” triệt để. Bỏ “gi”, “d” đi, xài “z” thôi cho “zễ zùng”. Ý nghĩ này xem ra càng khó được xã hội chấp nhận rồi cũng đi vào quên lãng. Cuối cùng chỉ còn thấy vài ba trường hợp, như chêm “z” vào một cái tên cho có vẻ Tây phương, “Dzũng Ðakao”, hoặc viết theo cách giả giọng người Nam “dzô”, “dzui”, “dzìa”, ...

Cùng một hiện tượng tương tự là đổi “ph” bằng “f”. “Em tên Fượng, không phải Phượng”. “Fương fáp” thay vì “phương pháp”, “fạm fòng” thay vì “phạm phòng”, “fung fí” thay vì “phung phí”, ...“fởn fơ”, “fì fò”, “fì fèo”. Kiểu thế này hẳn phải làm dân Âu châu phục dân Việt sát đất. Dân Việt nhập chữ cái La tinh của Âu châu vào mà dám cải tiến táo bạo vậy, còn chúng ta, dân Âu châu, thực là chậm chạp; sao không bắt chước dân Việt, thay thế hết “ph” bằng “f”, biến “philosophy” thành “filosofy”, “physic” thành “fisic”, “PhD” thành “FD” ...?

Vậy mà chẳng ai làm. Và người Việt cũng không hiểu tại sao người ta không chịu làm.

Không ai dám phủ nhận bất cứ cố gắng nào làm cho tiếng Việt ngày càng tốt đẹp. Nhưng làm sao cho có bài bản và hiệu quả? Thử nhìn vào một kinh nghiệm: ví dụ tiếng Ðức.

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Nguyễn Phú Phong - Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội

Vui lòng click vào link sauđây để tải sách điệntử: Nguyễn Phú Phong - Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội.pdf (dunglượng: 1,03 MB)

File có định dạng PDF nên bạn cần phải có phần mềm đọc file PDF mới mở được.

Chương trình đọc file pdf miễn phí http://www.nitroreader.com/download/ (26.08 MB)

Nghiên·cứu về nhóm ngôn·ngữ Việt-Mường

Tác·giả: Nguyễn·Phú·Phong (30/03/2006)


Người Mường
Nhóm Ngôn Ngữ Việt-Mường (NhómVM) gồm những ngôn ngữ nào ? Tại sao lại phải quan tâm đến nó ?

Henri Maspero
(Paris, 1883 - Buchenwald (Allemagne), 1945)  trong công trình nghiên cứu trứ danh về Ngữ âm lịch sử tiếng Việt (1912) trong lúc truy tầm về nguồn gốc và quan hệ thân thuộc của tiếng Việt, đã vô tình đặt ra nền tảng của cái mà ngày nay ta gọi là Nhóm Việt-Mường .

Về vấn·đề láy từ trong tiếng Việt

Tác·giả: Nguyễn·Phú·Phong

I . Mở đầu

Ví dụ ta lấy từ héo.

Muốn làm giảm nghĩa của héo, ta có hai cách :
- hoặc dùng cú pháp từ hơi, ta có
hơi héo- hoặc dùng từ pháp bằng cách lặp lại từ héo nhưng lại thay đổi thanh điệu, ta sẽ có heo héo.

Phương pháp thứ hai gọi là láy rất thông dụng trong tiếng Việt. Rất nhiều tác giả, Việt Nam cũng như ngoại quốc, khi nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt đều có đề cập đến vấn đề láy từ. Nhưng các tác giả này, người thì không phân biệt những từ láy sống với những từ láy chết, người thì sau khi đã phân biệt hai diện sống/chết của sự láy vẫn xếp những từ thuộc loại sống vào các từ thuộc loại láy chết.

Thế nào là láy sống và láy chết ?

Láy sống là một sự láy sinh động mà mỗi người Việt hoặc thông hiểu tiếng Việt có thể từ một từ gốc tạo thành một từ láy theo qui luật hoặc đã thâu nhận được qua kinh nghiệm hoặc đã được minh định rõ ràng sau một cuộc tìm tòi nghiên cứu. Ví dụ từ heo héo ở trên đã được tạo ra do một sự láy sống mà sau đây chúng tôi sẽ nêu rõ những đặc điểm của nó.

Trái lại sự láy chết là một hiện tượng đã hết khả năng sản xuất. Những từ láy chết đến với ta như một hiện tượng đã hình thành, ta không biết hoặc chưa biết vì đâu mà chúng có. Những từ láy chết không thể là những mô hình từ đó chúng ta có thể tạo ra những từ mới trong hiện tại. Từ nhỏ nhẻ ( từ gốc : nhỏ ) là một ví dụ.

Trong bài này chúng tôi chỉ xét đến hai loại láy sống : láy giảm như đã nói ở trên và láy tăng mà sau đây là một ví dụ : héo > héo hẹo ( rất héo ). Hơn nữa chúng tôi chỉ đề cập đến hai loại láy này trên một từ loại chính : động từ trạng thái ( hoặc là hình dung từ theo một số đông tác giả ).

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Cái thắc·mắc ngàn đời của chữ Việt

Tác·giả: Bác·sĩ  Nguyễn Hy Vọng M.D.

-t hay là –c ? , nhiều người Trung và Nam không viết cho đúng, vì họ đều phát âm với – c mà thôi.! dấu hỏi hay dấu ngã, nhiều người Trung và Nam [65 % dân Việt] cũng không viết đúng được.

Đó không phải là lỗi của họ, đó là lỗi của cái chữ viết đã không viết theo đúng như nói nguyên tắc vàng ngọc của chữ viết là phải viết cho đúng với phát âm, mà không có một ngôn ngữ nào trên thế giới theo đúng cả,  "trừ ra chữ viết Tây ban nha là khá nhất “ se habla como se escriba”  “ nói cũng y hệt như viết, còn Pháp Anh Mỹ đều viết tùm lum tà la hết ! Pháp thì đọc một âm mà viết  nhiều cách:  cinq, ceint, saint, sein.

Cái hệ lụy Tàu Việt



Tác-giả: Bác-sĩ Nguyễn Hy Vọng M.D.

Tôi muốn nói đến cái nợ ba đời ta gánh chịu khi Tàu nó đô hộ mình suốt ngàn năm. Phải hiểu là, dân Tàu có đến sáu tiếng nói khác nhau mà đến nay vẫn còn khác nhau! mà nếu không có cái chữ viết nó ràng buộc lại thì kể như đi đong.mỗi tiếng một ngã.. vì vậy mà tiếng nói nào trong thế giới cũng có chữ đánh vần kiểu a b c trừ ra tiếng Tàu duy nhất hiện nay phải vừa vẻ vừa viết [sic] chấp nhận khoảng 7500 cái hình vẽ là 7500 cái âm [sic] nếu không thế thì  nước Tàu sẽ tan rã rất nhanh  không phải là một nước nữa, đó là lý do tại sao Tàu không dám viết theo a b c . Cái chữ Tàu thật ra là cái nợ ba đời cho chúng nó’ a mill stone around their neck theo lời của các học giả Tây phương nhận xét!

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Cái gạch·nối trong chữ Việt

Tác-giả: Phụng Nghi

1. Cái gạch nối

Trong chữ Việt, cái gạch nối dùng để kết hợp những thành tố viết rời của một từ gồm nhiều âm tiết. Nếu viết riêng rẽ thì những âm tiết nói trên sẽ có một nghĩa khác, tức là nghĩa riêng biệt của từng âm tiết. Sau đây là một vài thí dụ:

- "Ðộc" có nghĩa là một, có số lượng chỉ một mà thôi. "Lập" có nghĩa là đứng thẳng. Ghép lại, "độc-lập" có nghĩa: 1. Tự mình sống, không dựa vào người khác. Sống độc-lập. 2. (Nước hoặc dân tộc) có chủ quyền. Nền độc-lập dân tộc.

- "Bà" là người đàn bà thuộc thế hệ sanh ra cha hoặc mẹ ta. "Con" là người thuộc thế hệ mà ta sanh ra. Ghép lại, "bà-con" có nghĩa là thân quyến, người có quan hệ họ hàng. Một người bà con xa.

- "Cay" là có vị như khi ăn ớt, ăn tiêu, ăn gừng hoặc khi uống rượu. "Ðắng" là có vị như khi ăn trái khổ qua, trái bồ hòn, mật cá hoặc uống thuốc bắc. Ghép lại "cay-đắng" (hay "đắng-cay") có nghĩa là đau khổ, xót xa. Thất bại cay-đắng.

Như vậy, ta thấy cái gạch nối có một vai trò rất quan trọng. Nó dùng để phân biệt từ đơn với từ ghép. Từ cuối thế kỷ 19 và trong những thập niên đầu của thế kỷ 20 này, theo ngữ pháp, ta dùng cái gạch nối đối với những từ ghép, mục đích là để câu văn được rõ nghĩa. Trong học đường, thời bấy giờ, đối với những từ ghép, thiếu cái gạch nối là một lỗi chánh tả tương tự như các lỗi chánh tả khác: c với t (các/cát), ch với tr (chương/trương), d với gi (dang/giang), dấu hỏi với dấu ngã...

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Để lâu câu sai hoá… đúng

Tác-giả: GS, TS Nguyễn-Đức-Dân

SGTT.VN - Nhà ngôn ngữ học người Pháp gốc Thuỵ Sĩ Charles Bally viết: "Ngôn ngữ ngày mai được chuẩn bị trong một loạt những cái sai của ngôn ngữ ngày hôm nay". Điều này có nghĩa là những cách nói sai hiện nay nếu không phê phán, quyết liệt ngăn cấm kịp thời thì sẽ trở thành những cách nói đúng trong tương lai!

Sai từ thừa chữ...


Ví dụ: cách nói "chiếc đồng hồ mới cứng" hiện nay được coi là đúng. Ấy thế nhưng cách đây 40 năm nó bị coi là sai, vì lúc đó "mới cứng" chỉ dùng cho tiền giấy bạc mới in, còn cứng. Một ví dụ khác: cách nói "Hỗ trợ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn" hiện nay được coi là bình thường. Trước đây, đó là cách nói sai. Vì hỗ là lẫn nhau, là từ hai phía, hỗ trợ là sự giúp đỡ nhau từ hai phía. Lẽ ra phải nói "trợ giúp/giúp đỡ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn".

Ngay từ đầu những cách nói sai mới cứng, hỗ trợ không bị phê phán, uốn nắn nên dần dần được nhiều người dùng, kết cục thành cách nói được xã hội chấp nhận.

Những từ ngữ sai bắt nguồn từ quy định của cơ quan công quyền thì hết cách sửa, vì nó đã thành thuật ngữ của một khái niệm pháp lí. Ví dụ: xe môtô có dung tích xilanh trên 50cm3 thì ngành công an gọi là "xe phân khối lớn". Mọi người phải chấp nhận thuật ngữ này, dù học trò tiểu học cũng biết rằng không có khái niệm phân khối lớn và phân khối nhỏ. Bây giờ không ai sửa được cái từ ngữ "xe phân khối lớn" vô nghĩa về khái niệm này nữa!

Sửa đổi cách viết chữ Việt hay là chữ Việt năm 2020

Tác-giả: dchph


Ngônngữ là một thuộctính bềnvững và biếnđổi chậmnhất của một dântộc. Trong quátrình pháttriển lịchsử, tínhcách của ngônngữ có thayđổi với một mứcđộ ítnhiều khácnhau, nhấtlà về hìnhthức, ở cái vỏ biểuhiện bềngoài của tiếngnói, đólà chữviết của một ngônngữ. Tuỳtheo nhucầu lịchsử, một dântộc cóthể có nhucầu thayđổi cách thểhiện tiếngnói của mình qua chữviết để thíchhợp với nhucầu của thờiđại. Nhiều nước tiếnbộ trên thếgiới ngàynay trong quátrình pháttriển đã phải thôngqua giaiđoạn cảicách chữviết vì đólà một quátrình tấtyếu.


ChữViệt chúngta đang sửdụng không phảnảnh đúng mộtcách khoahọc của thựctrạng tiếngViệt ngàynay. Cáchviết chữViệt hiệnđại cầnphải được cảitổ hay sửađổi lại không chỉ để phùhợp tiếngnói màcòn tạo điềukiện trựctiếp hoặc giántiếp gópphần pháttriển Việtnam trong lãnhvực kỹthuật của thờiđại hômnay vì kếtquả thựctiển là nó sẽ manglại những lợiích kinhtế thiếtthực.


Thayđổi một thóiquen, nhấtlà thuộc lãnhvực ngônngữ, rất khó nhưng nếu cầnphải cảicách, khôngphải là khôngthể thựchiện được. Ðứng trên một quanđiểm nàođó, cảitổ cáchviết tiếngViệt khôngđược xem nhưlà một yêucầu cấpbách, nhưng nếu quảthực sự cảitổ manglại lợiích cho nướcnhà, chúngta phải hànhđộng.

Chữ Việt có hai vần

Tác-giả: Nguyễn Phước Đáng (bài đã được đăng tại  website Gia-đình phật-tử Việt-Nam tại Hoa-Kì)

Có nhiều nhà ngôn ngữ Việt Nam cho rằng ngôn ngữ Việt là thứ ngôn ngữ đa âm, như các ngôn ngữ Anh, Pháp...

Từ nhận định đó người ta đi đến nhận định “Chữ Việt là thứ chữ đa âm tiết”. Âm tiết có nghĩa là vần. Chữ đa âm tiết = chữ có nhiều vần.
Âm tiết có khi được rút ngắn lại còn tiết mà thôi, để chỉ vần trong chữ viết. Do đó. có khi ta đọc thấy đơn tiết = đơn âm tiết = 1 vần; song tiết = song âm tiết = 2 vần; đa tiết = đa âm tiết = nhiều vần.

Ngôn (lời nói) đa âm thì có ngữ (chữ viết) đa âm tiết là điều thuận lý. Lời nói có nhiều tiếng, thì chữ viết có nhiều vần là chuyện phải lẽ. Nhưng tôi thấy chuyện không đơn giản như vậy, đối với tiếng Việt & chữ Việt.

Ngôn của mình là đa âm, nhưng ngữ lại đơn tiết.

Lời nói của người Việt là đa âm, nghĩa là có nhiều trường hợp phải có nhiều tiếng hợp lại mới chỉ định được một ý niệm về người, vật, cây cối, chim muông, trạng thái, ý tưởng, hành động...

Một·số vấn·đề của chữ·viết tiếng Việt dính liền

Tác·giả: Nguyễn·Tiến·Hải

Cập·nhật: 2013-12-26 2:50AM (GMT+9)

Cuộc vận động cải cách chữ viết tiếng Việt VNY2K (tiếng Việt mới cho năm 2020) [1] có mục đích tốt đẹp là làm chữ viết tiếng Việt hợp lí hơn. Các tác giả cuộc vận động này cho rằng tiếng Việt hiện đại là ngôn ngữ đa âm tiết [1][2], và các đơn vị từ thống nhất (các ngữ định danh) nên được viết dính liền lại với nhau. Ví dụ các từ "quấn quýt", "rời rạc", "bâng khuâng", "lạnh lẽo", "sạch sành sanh", ...nên được viết dính liền lại với nhau. Tuy nhiên, tồn tại một số khó khăn cản trở cuộc vận động này.

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Lí·thuyết ngôn·ngữ lập·trình

Người·dịch: Nguyễn·Tiến·Hải

Lí·thuyết ngôn·ngữ lập·trình (tiếng Anh: Programming Language Theory, viết tắt PLT) là một nhánh khoa·học máy·tính. Nhánh này nghiên·cứu nhiều khía·cạnh liên·quan đến các ngôn·ngữ lập·trình và các đặc·trưng của chúng, đó là thiết·kế, thực·hiện, phân·tích, mô·tả đặc·điểm và phân·loại. Nhánh này phụ·thuộc vào toán·học, kĩ·nghệ phần·mềm (software engineering) và ngôn·ngữ·học (linguistics). Nhiều người cho rằng PLT đang là lĩnh·vực nghiên·cứu năng·động vì có nhiều công·trình được xuất·bản ở nhiều tạp·chí chuyên về PLT cũng·như ở các xuất·bản·phẩm về kĩ·thuật và khoa·học máy·tính nói chung. Hầu·hết các chương·trình đào·tạo cử·nhân khoa·học máy·tính đều yêu·cầu sinh·viên phải học các môn·học liên·quan chủ·đề này.

Mục·lục

1. Lịch·sử
2. Các ngành con và lĩnh·vực liên·quan
2.1. Ngữ·nghĩa·học hình·thức (formal semantics)
2.2. Lí·thuyết kiểu (type theory)
2.3. Phân·tích và chuyển·đổi chương·trình
2.4. Phân·tích đối·chiếu ngôn·ngữ lập·trình
2.5. Lập·trình meta (meta programming)
2.6. Ngôn·ngữ đặc·trưng·miền (domain-specific languages)
2.7. Xây·dựng trình·biên·dịch (compiler)
2.8. Hệ·thống thời·gian·chạy (run-time)
3. Tạp·chí chuyên·ngành, xuất·bản·phẩm và hội·thảo về PLT
4. Kí·hiệu Lambda
5. Xem thêm
6. Đọc thêm
7. Liên·kết ngoài

·····································

1. Lịch·sử

Có·thể nói rằng lịch·sử lí·thuyết ngôn·ngữ lập·trình có trước cả sự·phát·triển của chính bản·thân các ngôn·ngữ lập·trình. Phép tính lambda, do Alonzo Church và Stephen Cole Kleene phát·triển vào thập·niên 1930, được một·số người coi là ngôn·ngữ lập·trình đầu·tiên trên thế·giới, mặc·dù lúc đầu người ta chỉ định dùng nó làm mô·hình tính·toán hơn là làm phương·tiện để các lập·trình·viên mô·tả các giải·thuật dành cho các hệ·thống máy·tính. Nhiều ngôn·ngữ lập·trình hàm được mô·tả như là sự dán thêm một "lớp·gỗ·dán mỏng" (thin veneer) vào phép·tính lambda [1]. Hơn nữa, nhiều ngôn·ngữ lập·trình trong số đó có·thể được dễ·dàng mô·tả  bằng các thuật·ngữ của phép·tính lambda.

Ngôn·ngữ lập·trình đầu·tiên từng được đưa ra là Plankalkül. Ngôn·ngữ này do Konrad Zuse thiết·kế vào thập·niên 1940, nhưng công·chúng không biết·đến nó mãi·cho·đến năm 1972 (đến năm 1998 ngôn·ngữ này mới được phát·triển). 

Ngôn·ngữ lập·trình đầu·tiên nổi·tiếng và thành·công nhất phải kể đến FORTRAN. Từ năm 1954 đến năm 1957, John Backus đã dẫn đầu một nhóm các nhà·nghiên·cứu hãng IBM phát·triển nên FORTRAN. Thành·công của FORTRAN dẫn tới sự ra đời của một ủy·ban gồm các nhà·khoa·học với mục·tiêu phát·triển một ngôn·ngữ mới có "tính·chất toàn·cầu" và ALGOL 58 đã ra đời. Trong thời·gian đó John McCarthy từ MIT cũng đã phát·triển LISP dựa trên phép·tính lambda. LISP là ngôn·ngữ đầu·tiên thành·công bắt nguồn từ giới·học·viện (academia). 

Từ những thành·công ban·đầu này, các ngôn·ngữ lập·trình máy·tính trở·thành chủ·đề nghiên·cứu sôi·nổi trong thập·niên 1960 và về sau.

Một·số sự·kiện chính:

Thập·niên 1950, Noam Chomsky phát·triển hệ·thống phân·cấp Chomsky (Chomsky hierarchy) trong lĩnh·vực ngôn·ngữ·học. Đây là khám·phá tác·động trực·tiếp lên lí·thuyết ngôn·ngữ lập·trình và nhiều nhánh khác của khoa·học máy·tính.

Thập·niên 1960, Ole·Johan Dahl và Kristen Nygaard phát·triển ngôn·ngữ SimulaSimula được coi là hình·mẫu đầu·tiên của một ngôn·ngữ lập·trình hướng·đối·tượng; Simula cũng đã giới·thiệu khái·niệm đồng·chương·trình·con (tiếng Anh: coroutine).

Thập·niên 1970:
  • Một nhóm các nhà·khoa·học tại Xerox PARC do Alan Kay dẫn·đầu phát·triển Smalltalk, một ngôn·ngữ hướng·đối·tượng nổi·tiếng nhờ môi·trường phát·triển sáng·tạo của nó.
  • Sussman và Steele phát·triển ngôn·ngữ lập·trình Scheme, một phiên·bản của Lisp hợp·nhất phạm·vi từ·vựng (tiếng Anh: lexical scoping) với một namespace (không·gian·tên) thống·nhất và các yếu·tố từ mô·hình Actor (bao·gồm các continuation lớp·nhất).
    Lập·trình logic và Prolog phát·triển cho·phép các chương·trình máy·tính được biểu·hiện như logic toán·học.
  • Backus, năm 1977, trong một bài·giảng tại ACM Turing Award , đã đả·kích hiện·trạng của các ngôn·ngữ công·nghiệp lúc bấy·giờ. Backus đề·xuất một lớp mới các ngôn·ngữ lập·trình, chính là các ngôn·ngữ lập·trình mức hàm hiện nay.
  • Xuất·hiện phép·tính tiến·trình, ví·dụ như Phép·tính của các Hệ·thống Giao·tiếp (Calculus of Communicating Systems) của Robin Milner, và mô·hình Các tiến·trình giao·tiếp liên·tục (Communicating sequential processes) của C. A. R. Hoare, cũng như các mô·hình song·song tương·tự, ví·dụ như mô·hình Actor của Carl Hewitt.
  • Lí·thuyết kiểu bắt·đầu được áp·dụng với tư·cách một ngành·học (tiếng Anh: discipline) cho các ngôn·ngữ lập·trình, nhờ công đầu của  Milner; ứng·dụng này dẫn đến những tiến·bộ to·lớn trong lí·thuyết kiểu suốt nhiều năm qua.
Thập·niên 1980:
Bertrand Meyer tạo·ra phương·pháp·học Thiết·kế theo hợp·đồng (Design by contract) và hợp·nhất nó vào ngôn·ngữ lập·trình Eiffel.

Thập·niên 1990:
Gregor Kiczales, Jim Des Rivieres và Daniel G. Bobrow xuất·bản cuốn·sách Nghệ·thuật của Giao·thức Đối·tượng·meta (tựa tiếng Anh: The Art of the Metaobject Protocol).
Philip Wadler đề·xuất dùng các monad cho việc·cấu·trúc các chương·trình viết bằng các ngôn·ngữ lập·trình hàm.

2. Các ngành con và lĩnh·vực liên·quan
Có nhiều lĩnh·vực nghiên·cứu hoặc nằm trong hoặc có ảnh·hưởng sâu·sắc lên lí·thuyết ngôn·ngữ lập·trình; nhiều lĩnh·vực trong số này có sự·chồng·chéo đáng·kể. PLT còn sử·dụng nhiều nhánh khác của toán·học, gồm lí·thuyết tính·toán, lí·thuyết thể·loại, và lí·thuyết tập·hợp.

2. 1. Ngữ·nghĩa·học hình·thức (formal semantics)
Ngữ·nghĩa·học hình·thức là đặc·trưng có tính hình·thức về hành·vi của các chương·trình máy·tính và các ngôn·ngữ lập·trình, có liên·quan đến việc·nghiên·cứu ngôn·ngữ hình·thức. Có ba phương·pháp miêu·tả ngữ·nghĩa·học hay "ý·nghĩa" của một chương·trình máy·tính đó là: ngữ·nghĩa·học biểu·diễn (denotational semantics), ngữ·nghĩa·học thao·tác (operational semantics) và ngữ·nghĩa·học tiên·đề (axiomatic semantics).

2. 2. Lí·thuyết kiểu (type theory)
Lí·thuyết kiểu là sự·nghiên·cứu các hệ·thống kiểu, "là các phương·pháp cú·pháp dễ·kiểm·soát nhằm chứng·minh sự·vắng·mặt của các hành·vi chương·trình nào·đó bằng·cách phân·loại các ngữ tuân·theo các loại giá·trị mà chúng tính được." (theo Các kiểu và các Ngôn·ngữ lập·trình, tiếng Anh: Types and Programming Languages, MIT Press, 2002). Nhiều ngôn·ngữ lập·trình được phân·biệt nhờ các đặc·điểm của các hệ·thống kiểu.

2. 3. Phân·tích và chuyển·đổi chương·trình 

Chuyển·đổi chương·trình là quá·trình chuyển·đổi một chương·trình từ dạng (ngôn·ngữ) này sang dạng (ngôn·ngữ) khác; phân·tích chương·trình là vấn·đề toàn·cục của việc·khảo·sát một chương·trình và xác·định các đặc·điểm mấu·chốt (như sự·vắng·mặt các lớp lỗi chương·trình).

2. 4. Phân·tích đối·chiếu ngôn·ngữ lập·trình 
Phân·tích đối·chiếu ngôn·ngữ lập·trình tìm·cách phân·chia ngôn·ngữ lập·trình thành các loại khác·nhau dựa trên đặc·điểm của chúng; thể·loại rộng của ngôn·ngữ lập·trình thường được gọi là mô·hình lập·trình.

2. 5. Lập·trình·meta
Lập·trình·meta là sự·phát·sinh chương·trình có bậc cao hơn, khi thực·hiện chương·trình đó sẽ sinh ra một chương·trình khác (có·thể trong ngôn·ngữ khác, hoặc trong một tập·hợp·con của ngôn·ngữ gốc).

2. 6. Ngôn·ngữ đặc·trưng·miền (domain-specific languages)
Ngôn·ngữ đặc·trưng·miền là ngôn·ngữ được xây·dựng để giải·quyết các vấn·đề một·cách hiệu·quả trong một miền vấn·đề riêng.

2. 7. Xây·dựng trình·biên·dịch (compiler)
Lí·thuyết Trình·biên·dịch là lí·thuyết viết các trình·biên·dịch (compiler) (hoặc tổng·quát hơn, máy·dịch (translator)). Trình·biên·dịch là một chương·trình dùng để dịch các chương·trình khác được viết trong một ngôn·ngữ sang dạng khác. Các hành·động của một trình·biên·dịch theo·truyền·thống được chia·nhỏ thành phân·tích cú·pháp (quét (scan) và phân·tích từ·loại (parse)), phân tích ngữ·nghĩa (xác·định chương·trình nên làm gì), tối·ưu·hóa (cải·tiến hiệu·suất của chương·trình theo các chỉ·số, điển·hình là tốc·độ thực·hiện) và Phát·sinh mã (Phát·sinh và xuất một chương·trình tương·đương trong ngôn·ngữ đích nào·đó; thường là tập·hợp lệnh của một CPU).

2. 8. Hệ·thống thời·gian·chạy (run-time)
Hệ·thống thời·gian·chạy nói đến việc·phát·triển các môi·trường thời·gian·chạy ngôn·ngữ lập·trình và các thành·phần của chúng, bao·gồm các máy ảo, thu·thập dữ·liệu·rác, và các giao·diện ngoại·hàm.

3. Tạp·chí chuyên·ngành, xuất·bản·phẩm và hội·thảo về PLT
Các tạp·chí chuyên·ngành lí·thuyết ngôn·ngữ lập·trình đáng chú·ý gồm có:
  • ACM Transactions on Programming Languages and Systems (Giao·dịch ACM trên các Ngôn·ngữ Lập·trình và các Hệ·thống)

  • Computer Languages, Systems, and Structures (Các ngôn·ngữ máy·tính, Các hệ·thống, và các Cấu·trúc)

  • Journal of Functional Programming (Tạp·chí Lập·trình hàm)

  • Journal of Functional and Logic Programming (Tạp·chí Lập·trình Logic và Hàm)

  • Journal of Symbolic Computation (Tạp·chí Tính·toán kí·hiệu)

Các bài·báo PLT về các cú·hích quan·trọng hoặc về sự·quan·tâm tổng·quát hơn có·thể xuất·hiện trong các tạp·chí bách·khoa hơn như Tạp·chí ACM (Journal of the ACM), Thông·tin và Tính·toán (Information and Computation), hay Khoa·học Máy·tính Lí·thuyết, (Theoretical Computer Science). Xem thêm danh·sách các xuất·bản·phẩm trong khoa·học máy·tính.

Cũng·như nhiều lĩnh·vực Khoa·học Máy·tính khác, các cuộc·hội·thảo đóng vai·trò quan·trọng, đôi·khi là vai·trò lãnh·đạo. Các cuộc·hội·thảo nổi·tiếng nhất trong PLT có·lẽ là Hội·nghị·chuyên·đề về các Nguyên·lí của các Ngôn·ngữ Lập·trình (tiếng Anh: Symposium on Principles of Programming Languages) (POPL)) và Hội·thảo Quốc·tế về Lập·trình Hàm (tiếng Anh: International Conference on Functional Programming (ICFP)). Các cuộc·hội·thảo khác có ảnh·hưởng liên·quan PLT gồm Hội·thảo về Thiết·kế và Thực·hiện Ngôn·ngữ Lập·trình (Conference on Programming Language Design and Implementation (PLDI)) và Hội·nghị Quốc·tế về Lập·trình Hướng·đối·tượngvề các Hệ·thống, các Ngôn·ngữ và các Ứng·dụng (tiếng Anh: International Conference on Object Oriented Programming, Systems, Languages and Applications (OOPSLA)).

4. Kí·hiệu Lambda

Một biểu·tượng không chính·thức của lĩnh·vực lí·thuyết ngôn·ngữ lập·trình là chữ·cái Hi·Lạp viết·thường λ (lambda). Cách dùng này bắt·nguồn từ phép·tính lambda, một mô·hình tính·toán được các nhà·nghiên·cứu ngôn·ngữ lập·trình sử·dụng rộng·rãi. Nhiều văn·bản, bài·báo về lập·trình và các ngôn·ngữ lập·trình đã từng sử·dụng lambda theo một phong·cách nào đó. Nó đã làm·vẻ·vang trang·bìa của văn·bản cổ·điển có tên Cấu trúc và Thuyết·minh các Chương·trình Máy·tính (Structure and Interpretation of Computer Programs), và tiêu·đề của nhiều cái gọi là các bài·báo Lambda (Lambda Papers), do Gerald Jay Sussman và Guy Steele, các nhà·phát·triển của Ngôn·ngữ lập·trình Scheme., viết. Một website nổi·tiếng về lí·thuyết ngôn·ngữ lập·trình là Lambda the Ultimate, nhằm vinh·danh công·trình của Sussman và Steele.

5. Xem thêm
  • SIGPLAN
  • Thời·gian·biểu của các ngôn·ngữ lập·trình
  • Ngôn·ngữ lập·trình bậc rất cao
6. Đọc thêm
7. Liên·kết ngoài
Ngày viết bài: 13 tháng 12 năm 2010

Bài dịch từ wikipedia tiếng Anh http://en.wikipedia.org/wiki/Programming_language_theory